Kinh tế xanh

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội chuyển đổi mô hình kinh tế

Thứ ba, 16/11/2021 | 14:38 GMT+7
Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam đánh giá cam kết mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 rất phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu COVID-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua.

Cam kết này cũng sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để chuyển đổi các mô hình kinh tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ hay các Bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị COP26

Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu (BĐKH), tổ chức Oxfam khi trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26; các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển “xanh” nói chung và thực hiện có hiệu quả các cam kết tại COP 26 nói riêng.

Tại COP 26, trong các cuộc gặp song phương, lãnh đạo các nước coi Việt Nam như là hình mẫu về một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu về ứng phó BĐKH. Xin ông phân tích cụ thể thêm về vai trò đi đầu của Việt Nam. Việt Nam cần làm gì để tận dụng những hỗ trợ từ quốc tế, từ đó phát huy vai trò trên?

Vai trò đi đầu của Việt Nam thể hiện rõ trong việc tham gia các công ước quốc tế và các chính sách về BĐKH trong nước. Cụ thể, từ năm 2008, Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Đến năm 2009, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á xây dựng và công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Sau đó vào năm 2011, Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH và năm 2012 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó BĐKH giai đoạn 2012 - 2020. Các kế hoạch hành động này được xây dựng ở cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.

Đối với cam kết quốc tế, từ năm 2015, Việt Nam công bố "Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định" (gọi tắt là INDC) nhằm thể hiện nội lực của Việt Nam trong ứng phó BĐKH. Đến năm 2016, Việt Nam ký Thỏa thuận Paris về BĐKH. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đóng góp do quốc gia tự quyết định" (NDC) cập nhật của Việt Nam. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 quy đổi.

Đây là những chính sách và cam kết thể hiện sự quan tâm nghiêm túc và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề thích ứng và giảm thiểu BĐKH.

Mặc dù vậy, hạn chế của Việt Nam là nguồn lực và công nghệ để có thể triển khai các kế hoạch, chương trình cấp quốc gia và địa phương. Trong giai đoạn 2010 - 2020, đa số các dự án đầu tư thích ứng và giảm thiểu BĐKH của Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí viện trợ hoặc vốn vay từ nước ngoài. Nguồn kinh phí đối ứng từ Việt Nam để thực hiện các kế hoạch và chương trình quốc gia còn khiêm tốn. Chính vì vậy, mặc dù đã có khung chính sách và  kế hoạch hành động, nhưng rất nhiều kế hoạch được đề xuất chưa được triển khai.

Tại COP 26, các quốc gia tham gia kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực tài chính 100 tỷ USD mỗi năm để giải quyết các bài toán về thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính về 0 đến năm 2050. Nếu thỏa thuận này được hiện thực hóa thì đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam tiếp cận và triển khai các chương trình dự án liên quan đến BĐKH.

Để tiếp cận được sự hỗ trợ của quốc tế, bao gồm cả tài chính và công nghệ và hướng tới một hình mẫu về ứng phó BĐKH, tôi cho rằng Việt Nam cần bắt tay vào thực hiện ngay các hành động sau đây: xây dựng và minh bạch hóa các tiêu chí xanh trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh (thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số).

Chính phủ đóng vai trò định hướng và quản lý bằng chính sách, đồng thời phải thu hút sự tham gia của khối tư nhân. Cần khuyến khích khối tư nhân có các sáng kiến về sản xuất và kinh doanh carbon thấp, các giải pháp về kinh tế tuần hoàn ít sử dụng nguyên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường. Trong tương lai, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được dán nhãn carbon. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ để không bị đánh thuế carbon cao khi tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời tiếp cận được nguồn tài chính xanh từ quỹ khí hậu toàn cầu.

Các ngân hàng thương mại cần xây dựng và công bố các tiêu chí xanh và các tiêu chí về an sinh con người khi duyệt cấp vốn đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và nông nghiệp

Tùy thuộc từng lĩnh vực mà các bộ ngành cần phối hợp với doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế xây dựng hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh (MRV) về giảm phát thải khí nhà kính làm cơ sở báo cáo minh bạch kết quả giảm phát thải.

Ngân sách từ quỹ khí hậu toàn cầu sẽ chỉ cấp cho quốc gia nào có hệ thống quản lý tài chính minh bạch và có các sáng kiến sẵn có được thử nghiệm. Chính vì vậy, việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh sẽ thuận lợi và kịp thời với các quốc gia có mức độ sẵn sàng cao.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về BĐKH, tổ chức Oxfam

Tại Hội nghị COP 26, việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ông đánh giá như thế nào về cam kết mạnh mẽ này? Ông có thể phân tích những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi triển khai cam kết này?

Tôi cho rằng đây là một cam kết đầy tham vọng và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình đồng hành với các quốc gia khác trên thế giới tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu. Chúng ta không thể đứng ngoài xu hướng toàn cầu. Chỉ có cách các quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm thì mới giải quyết được bài toán khí hậu toàn cầu. Cam kết này cũng phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu COVID-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua.

Theo tôi, để triển khai được cam kết này, Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn về kỹ thuật, tài chính và nguồn lực con người, thậm chí có thể có sự mâu thuẫn với các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế hiện tại. Tuy vậy, tôi tin tưởng rằng, cam kết này cũng sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để chuyển đổi các mô hình kinh tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về cơ hội, cam kết đưa phát thải ròng CO2 về “0” vào năm 2050 sẽ là động lực để Chính phủ và người dân cùng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và hướng đến một nền kinh tế nhân văn, lấy con người làm trung tâm và không bỏ ai lại phía sau như phát biểu của Thủ tướng tại COP26. Chúng ta cũng sẽ có cơ hội để tiếp cận với các công nghệ xanh và nguồn tài chính xanh để đầu tư cho các giải pháp hướng đến nền kinh tế carbon thấp từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.

Thêm vào đó, Việt Nam đã có sẵn các chiến lược quốc gia, khung chương trình, dự án quốc gia để đón đầu các nguồn đầu tư xanh từ quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn tài nguyên về năng lượng tái tạo dồi dào như nắng, gió, sóng biển, đất trồng rừng và nguồn nguyên liệu sinh khối từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Với việc thay đổi công nghệ, thay đổi cách làm, tăng cường giám sát, Việt Nam có thể thực hiện được một phần lớn mục tiêu trong cam kết.

Về thách thức và khó khăn, theo kịch bản phát thải khí nhà kính được đề cập trong Báo cáo kỹ thuật về quốc gia tự đóng góp, mức phát thải khí nhà kính thông thường của Việt Nam vào năm 2020 là 502,1 triệu tấn CO2 quy đổi và năm 2030 sẽ là 888,8 triệu tấn CO2 quy đổi so với lượng phát thải thực tế được kiểm kê năm 2014 là 294,2 triệu tấn. Như vậy, nếu không có các giải pháp kỹ thuật, chính sách chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế phù hợp thì mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030 sẽ gần gấp đôi so với năm 2020.

Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua 2 năm bị tác động nặng nề bởi COVID-19 và nền kinh tế cần được phục hồi với mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7% mỗi năm. Trong khi đó, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế của Việt Nam bao gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và công nghiệp đang là những ngành có mức độ phát thải cao. Việc đặt mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ có thể sẽ dẫn đến điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.

Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Theo ông, cần có những giải pháp, chính sách gì để thực hiện mục tiêu phát triển “xanh” nói chung và thực hiện có hiệu quả các cam kết tại COP 26 nói riêng?

Giải quyết hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP song song với giảm phát thải khí nhà kính là một mục tiêu kép khó thực hiện. Mặc dù vậy, như tôi đã đề cập ở trên, chúng ta có những cơ hội để thực hiện cam kết bằng những lợi thế sẵn có và các dịch chuyển trong mô hình tăng trưởng.

Về cách tiếp cận chung, theo tôi, cần phát triển nền kinh tế nhân văn, lấy con người làm trung tâm, lấy giá trị bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân làm giá trị cốt lõi để phát triển thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu kép đó.

Chính phủ cần ưu tiên tận dụng lợi thế đẩy mạnh các giải pháp về sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp vốn đang là lĩnh vực có thể hấp thụ khí nhà kính. Muốn thực hiện việc này chúng ta phải tăng diện tích rừng tự nhiên bằng cách chuyển đổi rừng trồng và rừng phòng hộ thành rừng không khai thác gỗ, đồng thời chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích nuôi trồng thủy sản hoặc đất bảo tồn đa dạng sinh học.

Chính phủ cần khuyến khích thay đổi công nghệ và tập trung giảm phát thải khí nhà kính ở các ngành kinh tế đang có phát thải cao bao gồm: năng lượng, giao thông, nông nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và quản lý rác thải. Việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải phải là trách nhiệm toàn dân chứ không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ hay các Bộ, ngành. Muốn thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xây dựng các tiêu chí phát triển kinh tế xanh thân thiện môi trường, xây dựng các bộ chỉ số xanh và carbon thấp trong sản xuất kinh doanh và có cơ chế khuyến khích để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân tham gia cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

Xin cảm ơn ông!

Theo baochinhphu.vn