Nông nghiệp sạch

Cần Thơ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp trong tình hình mới

Thứ ba, 20/2/2024 | 15:04 GMT+7
Ngày 20/2, UBND thành phố Cần Thơ đã có Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ thành phố đến các quận, huyện đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ 

Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và UBND thành phố về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy nhanh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; hình thành vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để người dân sử dụng thực phẩm an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đưa ra chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị.

Tổ chức tuyên truyền phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và sử dụng thực phẩm an toàn bằng nhiều hình thức khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng và nội dung tuyên truyền.

Tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản như sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm...

Triển khai thực hiện các chính sách, khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn có quy mô lớn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn...

Thanh Tâm