Cảnh báo xâm nhập mặn ở mức cao nhất tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 11/3/2024 | 16:49 GMT+7
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11 - 20/3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vượt mức cao nhất của tháng 3/2023, cảnh báo rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn.

Cụ thể, vào mùa khô năm 2023 - 2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng cao các đợt xâm nhập mặn, tập trung trong tháng 3/2024 (từ ngày 10 - 14/3, từ ngày 24 - 28/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2024 (từ ngày 10 - 13/3, từ ngày 24 - 28/3, từ ngày 8 - 13/4, từ ngày 22 - 28/4).

Cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở cấp 2; khuyến nghị các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Tình hình xâm nhập mặn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Cảnh báo xâm nhập mặn ở mức cao nhất tại đồng bằng sông Cửu Long

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trước tình hình các hồ thủy điện thượng nguồn xả nước cầm chừng như hiện nay, dự báo mặn tăng cao hơn trong tháng 3/2024. Cụ thể, vùng thượng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang, Cần Thơ có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm.

Vùng giữa và khu vực ven biển Đông đồng bằng sông Cửu Long bao gồm phần đất thuộc Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, được dự báo mặn đạt đỉnh vào các kỳ ngày 10 - 13/3 và ngày 24 - 26/3 với ranh mặn 4g/l có thể vào 50 - 60km. Tuy nhiên, gió chướng có thể làm mặn vào sâu hơn so với dự báo 5 - 10km. Trong thời gian ngày 10 – 13/3, mặn có khả năng đạt đỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất và cấp nước sinh hoạt ở khu vực Tiền Giang và Bến Tre.

Khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang đươc dự báo mặn lên cao vào kỳ ngày 15 - 17/3, mặn 4g/l vào sâu 50 - 55km.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CT-TTg về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trong đó, các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh phải chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay những biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bảo Ngọc (T/H)