Cấp thiết quan tâm đến vấn đề nguồn nước trong phát triển bền vững

Thứ tư, 3/11/2021 | 18:06 GMT+7
Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước và các hiểm họa liên quan đến nước. Đây là một trong số những nội dung cấp thiết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) ngày 2/11.

Tại buổi làm việc, các nhà lãnh đạo của Liên minh Nước và Khí hậu (WCC) cảnh báo rằng, hiện có 3,6 tỷ người trên toàn cầu không được tiếp cận với nước ít nhất một tháng mỗi năm, con số này dự kiến sẽ vượt qua 5 tỷ người vào năm 2050. 

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas đánh giá, nhiệt độ ngày càng tăng dẫn đến những thay đổi về lượng mưa trên toàn cầu và khu vực, dẫn đến sự thay đổi về mô hình mưa và mùa vụ nông nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và sức khỏe con người. Năm 2020 tiếp tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến nước khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người phải di dời và hàng triệu người bị ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn nước và sức khỏe

Các nhà lãnh đạo của WCC cũng nêu bật sự cần thiết của việc quản lý tổng hợp nước - khí hậu, trong đó tập trung vào việc tăng cường cơ sở dữ liệu và thông tin để giúp xác định, quản lý và sử dụng phù hợp, bền vững nguồn nước hiện tại và trong tương lai. 

Ông János Áder, Tổng thống Hungary, thành viên ban lãnh đạo WCC nhận định: “Nếu không có dữ liệu tốt, các chính sách về nước và khí hậu chỉ là những lời nói suông. Hành động hiệu quả đòi hỏi kiến thức, kiến thức yêu cầu thông tin, thông tin yêu cầu dữ liệu”. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo của WCC, chỉ 0,5% nước trên trái đất là có thể sử dụng được và có sẵn dưới dạng nước ngọt. Trữ lượng nước trên cạn, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng cũng đã giảm một cm mỗi năm trong hai thập kỷ qua. 

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước của Hà Lan Barbara Visser cho biết, nước là chìa khóa để đạt được các thay đổi thực sự và các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững . 

“Biến đổi khí hậu đang diễn ra và đang gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh, đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững toàn cầu. Hãy mở rộng quy mô và tăng tốc hành động trong lĩnh vực quản trị, tài chính, dữ liệu và thông tin, nâng cao năng lực, đổi mới để lật ngược tình thế và đảm bảo một tương lai bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Barbara Visser nói.

Liên minh Nước và Khí hậu do Tổ chức Khí tượng thế giới và 10 cơ quan của Liên Hợp Quốc đứng đầu. Tổ chức được thành lập nhằm hỗ trợ các quốc gia, khu vực tích hợp nước và khí hậu để đẩy nhanh tiến độ hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). 

Ban lãnh đạo Liên minh có 18 thành viên bao gồm các nhà lãnh đạo tổ chức thế giới và cựu lãnh đạo, cũng như đại diện cấp cao từ các tổ chức Liên Hợp Quốc, khu vực tư nhân và đặc phái viên thanh niên.

Lâm Bảo (Theo UN News)