Theo GIZ, mới đây, dự án PtX Outreach thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP) phối hợp với Học viện Năng lượng tái tạo (RENAC) tổ chức buổi họp trực tuyến giới thiệu về “Chương trình đào tạo chuyên môn trực tuyến về hydro xanh và năng lượng tái tạo PtX”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình đào tạo, xây dựng, nâng cao năng lực cán bộ phục vụ cho ngành công nghiệp hydrogen xanh và PtX mà dự án PtX Outreach hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.
Tham dự buổi họp bao gồm các đại diện đến từ RENAC, Bộ Công Thương (MOIT), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS)... Đại diện từ các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam cũng đồng thời là các học viên của “Chương trình đào tạo chuyên môn trực tuyến về hydro xanh và năng lượng tái tạo PtX”. Tại buổi họp, các học viên đã được giới thiệu về mục tiêu, nội dung và lợi ích thu được khi tham gia khóa học.
Ảnh minh họa
Chương trình đào tạo chuyên môn trực tuyến về hydro xanh và năng lượng tái tạo PtX nhằm trang bị cho học viên kiến thức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực hydrogen xanh và PtX.
Kết thúc khóa học, học viên sẽ có thêm hiểu biết về các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất, vận chuyển và tàng trữ hydrogen cùng các sản phẩm PtX, đồng thời có khả năng lập mô hình, đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính dự án hydrogen xanh và PtX. Khóa học diễn ra trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4 và kết thúc vào tháng 10 năm 2023.
Dự án “PtX Outreach” do GIZ thực hiện và được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ). Dự án được ra đời với mục đích hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp PtX trên cơ sở thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ: xây dựng và phát triển năng lực nhân sự đáp ứng yêu cầu ngành công nghiệp PtX; thúc đẩy đối thoại trao đổi về chủ đề phát triển bền vững; tư vấn xây dựng khung chính sách và chiến lược phát triển ngành công nghiệp PtX; phân tích tiềm năng quốc gia.
Lan Anh