Công nghệ Giao thông

Chuyển dịch năng lượng từ xu hướng phát triển xe điện và trạm sạc

Thứ sáu, 8/12/2023 | 15:31 GMT+7
Cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật; đưa trạm sạc (nạp) pin trở thành một hạng mục công năng có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng đô thị… là một số giải pháp giúp thúc đẩy phát triển xe điện, góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải.

Tại hội thảo “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh” do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội, chia sẻ về hiện trạng giao thông điện ở Việt Nam, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, về thị trường và đội xe: sử dụng xe điện đã tăng theo cấp số nhân với số lượng mẫu xe điện được bán trên thị trường ngày càng tăng. Các nhà cung cấp dịch vụ xe điện trong nước đang nổi lên như những nhân tố chủ chốt trên thị trường: xe buýt điện và taxi trong thành phố, xe hai bánh chạy điện cho các dịch vụ giao hàng chặng cuối.

Về cung cấp cơ sở hạ tầng, có sự đầu tư lớn hơn vào trạm sạc và hệ thống đổi pin: hơn 150.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc. Các công ty tư nhân cũng dành nhiều sự quan tâm tới đầu tư cơ sở hạ tầng. Về sản xuất xe điện, các nhà sản xuất ô tô và xe hai bánh trong nước (Vinfast, Selex motor, Dat Bike) đang nổi lên. Cùng với đó là chuỗi cung ứng mới nổi hỗ trợ các nhà sản xuất xe điện: phát triển nhà máy pin xe điện, cơ sở hạ tầng trao đổi pin, trạm sạc, nghiên cứu giải pháp cuối vòng đời.

Phát triển xe điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh

Ông Đàm Hoàng Phúc cũng chỉ ra rằng, khối lượng lớn trụ sạc đấu nối vào lưới điện phân phối sẽ xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành lưới điện, tình trạng làm việc an toàn, ổn định của hệ thống điện, chất lượng điện năng, gây quá tải lưới điện khu vực nếu không có các giải pháp đối phó với các ảnh hưởng. Tác động của xe điện và trạm sạc lên lưới điện được ghi nhận tại các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc cho thấy: nếu điều khiển, phối hợp không hợp lý thời điểm sạc với đồ thị phụ tải (ví dụ sạc lượng lớn xe điện vào lúc cuối giờ chiều khi người dân trở về nhà, trùng vào cao điểm tối) sẽ làm tăng tổn thất công suất, tăng độ lệch điện áp và các vấn đề về chất lượng điện năng…

Theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, hiện nay, các quốc gia nghiên cứu và hướng tới hai hướng giải pháp công nghệ chính khắc phục ảnh hưởng của xe điện. Thứ nhất là sạc thông minh (Smart Charging): cho phép dịch chuyển thời điểm sạc sang lúc thấp tải, với giá điện sạc rẻ hơn. Tuy nhiên, bản thân bộ sạc phải tích hợp các đường truyền và thuật toán để thực hiện việc sạc thông minh. Thứ hai là xe điện nối lưới (Vehicle to Grid – V2G): ở một mức độ công suất lớn nào đó, các pin của xe điện có thể cấp ngược công suất và hỗ trợ lưới điện khi cần. Khi đó, bên cạnh bộ chỉnh lưu sẵn có thì bộ sạc phải có thêm bộ nghịch lưu. Các yêu cầu, tính năng và điều khiển cần phải được nghiên cứu bài bản, chi tiết.

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển giao thông điện tại Việt Nam như nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật; đưa trạm sạc (nạp) pin trở thành một hạng mục công năng có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng đô thị.

Cụ thể là bổ sung quy định “có bố trí khu vực ưu tiên cho phương tiện chạy bằng điện và trạm sạc (nạp) pin” tại các bãi đỗ xe, công trình công cộng, dịch vụ, khu chung cư, trung tâm thương mại, tòa nhà cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Bổ sung trạm sạc (nạp) pin, đổi pin cho các phương tiện chạy điện vào các hạng mục có tại: trạm dừng nghỉ, công trình đường bộ, điểm đấu nối giao thông. Đồng thời, bổ sung quy định: “Dịch vụ sạc (nạp) pin; đổi pin cho phương tiện chạy bằng điện nằm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ đổi, sạc (nạp) pin cho phương tiện chạy bằng điện và được thu tiền đối với dịch vụ đó”.

Cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ.

Bộ Tài chính, Bộ Giao thông cần sớm kiến nghị Chính phủ có quy định về phương tiện đầu tư công mới (xe con, xe buýt) ưu tiên là xe điện. Có chính sách khuyến khích đầu tư xe vận tải công cộng (taxi, xe khách, xe du lịch) là xe điện, ví dụ miễn thuế, phí, ưu đãi lãi suất, không hạn chế xe điện đi vào phố cấm...

Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi miễn giảm các loại thuế, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc.

Đặc biệt, truyền thông mạnh mẽ về các lợi ích của xe điện và xu thế phương tiện của tương lai, để tăng nhận thức của đông đảo nhân dân, người tiêu dùng.

Cẩm Hạnh