Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), tòa nhà đầu tiên tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Xây dựng xanh Hoa Kỳ
Con số này là khá khiêm tốn nếu so các quốc gia trong khu vực và tính trên số lượng dự án xây dựng mới trong quãng thời gian này. Làm thế nào để phát triển thêm các công trình có yếu tố bảo vệ môi trường?
Giải quyết bài toán chi phí và lợi ích
Trước hết, cần phải thống nhất lại các thông tin về CTX cho đúng với bản chất thật sự của nó. Theo đó, CTX là một công trình được thiết kế, xây dựng và vận hành nhằm giảm tác động tiêu cực của công trình đến môi trường, đồng thời tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho con người. Với những lợi ích tuyệt vời như vậy, chúng ta cần tìm ra "con đường" để phát triển.
Chi phí xây dựng tăng thêm do áp dụng CTX tùy thuộc rất nhiều vào loại chứng chỉ, cấp độ chứng chỉ, quy mô công trình và cả năng lực của đơn vị tư vấn xanh. Thông thường, tỷ lệ tăng thêm này khoảng 5% chi phí xây dựng, bù lại, chi phí vận hành tiết kiệm sẽ giúp cho chủ đầu tư (CÐT) hoàn vốn phần chi phí phụ trội này trong khoảng 5 năm. Ðặc biệt, cũng có trường hợp dự án đạt chứng chỉ xanh mà chi phí tăng không đáng kể do dự án có tư vấn xanh nhiều kinh nghiệm tham gia tư vấn ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế ý tưởng.
Vậy làm thế nào để CÐT tự tin về khoản chi phí tăng thêm này để quyết định áp dụng CTX? Cách đơn giản nhất là CÐT nên thuê tư vấn xanh đánh giá khả thi. Sau bước này thì chủ đầu tư sẽ có một bức tranh tổng thể về loại chứng chỉ xanh nên áp dụng, hạng mục nào thiết kế đã đạt yêu cầu CTX, hạng mục nào chưa đạt và cần phải làm như thế nào để đạt chuẩn… Cùng với đó, CÐT cũng sẽ hình dung được hạng mục nào cần phải đầu tư thêm với chi phí ước tính sơ bộ. Từ đó việc ra quyết định của CÐT sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Trường hợp không kham nổi chi phí tăng thêm này khi có thiết kế kỹ thuật chi tiết, tư vấn xanh sẽ giúp lược bỏ hoặc thay thế một số giải pháp hay thiết bị nhưng vẫn bảo đảm đạt mức chứng nhận xanh thấp hơn hay không theo đuổi chứng nhận xanh nữa. Cho dù vậy, các giải pháp bền vững cơ bản do tư vấn Xanh đóng góp trong quá trình thiết kế vẫn được giữ lại, làm cho hiệu quả đầu tư tăng lên.
Về lợi ích, vai trò của tư vấn xanh cũng rất quan trọng trong việc chứng minh cho CÐT thấy những lợi ích khi áp dụng CTX. Ngoài những lợi ích hữu hình như tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất lao động, CTX còn mang lại những lợi ích vô hình khác như thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, cần chứng minh giải pháp xanh thật sự mang lại những lợi ích thực tiễn cho người sử dụng công trình. Khi các bên nhìn thấy được lợi ích khi áp dụng CTX một cách rõ ràng thì việc quyết định áp dụng CTX sẽ không khó.
Thuyết phục các chủ đầu tư lớn
Các CÐT lớn tại Việt Nam hiện đang có quỹ đất để phát triển dự án rất lớn và triển khai cùng lúc nhiều dự án quy mô lớn. Vì vậy, nếu thuyết phục được các CÐT này làm CTX thì Việt Nam có cơ hội rất lớn gia tăng ngay lập tức số lượng CTX. Cùng với đó, tất cả các đơn vị liên quan cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, nhà thầu, nhà sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu tham gia cũng hiểu hơn về CTX, giúp lan tỏa hơn nữa việc áp dụng vào các dự án của họ.
Ðể thuyết phục các CÐT lớn, cần tìm cách đề xuất họ thực hiện một dự án thí điểm áp dụng. Sau dự án này, các bên liên quan dự án và CÐT cũng có cơ hội để hiểu hơn về CTX. Từ đó việc nhân rộng cho các dự án tiếp theo sẽ thuận lợi hơn.
Một trong những vướng mắc cần tháo gỡ là hiện chưa có định mức cho phí tư vấn, phí chứng nhận và chi phí xây dựng tăng thêm khi thực hiện CTX. Ðiều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng cho các công trình liên quan vốn ngân sách. Vì vậy, các cơ quan ban ngành cần đẩy mạnh việc thí điểm một số công trình nhằm có cơ sở đưa ra định mức phù hợp.
Ngoài những giải pháp cấp bách như trên, chúng ta cũng cần có những giải pháp dài hạn và bền vững để CTX phát triển ổn định. Ðầu tiên là việc đưa các kiến thức vào chương trình đào tạo các trường đại học (ÐH) có các chuyên ngành liên quan như trường ÐH Kiến trúc, trường ÐH Bách khoa, trường ÐH Xây dựng… Các kiến thức này cần được rải đều trong các năm học để giúp sinh viên hiểu sâu và có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu. Việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp liên quan CTX như CÐT, nhà thầu, nhà sản xuất, tư vấn thiết kế xanh cũng sẽ giúp cho việc đào tạo hiệu quả, sát với thực tế.
Việt Nam đã xây dựng và triển khai một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh, có trách nhiệm với môi trường như: Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (năm 2010), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030… Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (năm 2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển CTX. Như vậy, CTX có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược "xanh hóa" ngành xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.