Công trình xanh

Cần thêm chính sách phát triển các công trình hiệu quả năng lượng

Thứ sáu, 11/12/2020 | 15:52 GMT+7
Ngày 11/12, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020, các đại biểu thuộc Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức có liên quan đã cùng tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm “Phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”.

Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 83% và 86% vào năm 2020 và 2030. Do vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện của Chính phủ trong thời gian qua.

Tốc độ đô thị hóa đang gây áp lực lớn đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực xây dựng và dân dụng là khoảng 37%. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), số lượng các công trình nhà cao tầng, khu đô thị, hộ gia đình xây dựng kiên cố càng lớn thì tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực xây dựng và dân dụng càng ngày càng tăng, điều này trở thành áp lực cho nguồn cung năng lượng.

Bên cạnh Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã có nội dung quy định về phát triển công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả, một số Nghị định của Chính phủ cũng đã có nội dung khuyến khích phát triển công trình xanh, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng.

Theo đó, thành phố Hà Nội hiện đã và đang đẩy mạnh triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4%; 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng khai thác, sử dụng phương tiện theo hướng tiết kiệm năng lượng; 80% doanh nghiệp tại khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp tại cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh; tập huấn, hướng dẫn cho 5.000 lượt cán bộ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đào tạo và cấp chứng chỉ 250 - 300 cán bộ quản lý năng lượng; 60% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Nguyễn Công Thịnh trình bày định hướng chính sách phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng của Việt Nam

Tại buổi tọa đàm chính sách "Phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng", ông Nguyễn Công Thịnh kiến nghị đưa công trình xanh vào quản lý dự án, trong đó đặc biệt đề cập đến vấn đề văn bản quy phạm pháp luật; định mức kinh tế kỹ thuật; tín dụng xanh; hỗ trợ chủ dự án, chủ công trình; tập huấn truyền thông, nâng cao nhận thức.

Ông Bùi Tiến Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ecopark, đại diện doanh nghiệp bất động sản xanh cũng tham gia đề xuất một số kiến nghị. Cụ thể, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể hơn để tạo cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển công trình xanh; có phân hạng công trình xanh để tạo ưu đãi tài chính cũng như ghi nhận trách nhiệm xã hội một cách tương xứng; cần có hình thức tuyên truyền rộng rãi hơn để không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân cũng nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh; cần có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để hướng dẫn, quản lý, đánh giá cho cả quy trình phát triển xanh từ lựa chọn địa điểm, quy hoạch, thiết kế, thi công đến vận hành công trình.

Giám đốc Kinh doanh Công ty Green Việt, ông Đỗ Hữu Nhật Quang chia sẻ, dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho công trình xanh. Từ đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp khiến mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn, chủ đầu tư dự án cũng bắt đầu tìm kiếm những giải pháp đảm bảo điều kiện phòng và chống dịch. Phát triển bền vững và công trình xanh có mối quan hệ rất chặt chẽ, khi một doanh nghiệp xây dựng công trình xanh đồng nghĩa với doanh nghiệp đó đã thực hiện rất nhiều các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững. Nên khi toàn xã hội quan tâm đến sức khỏe con người và phát triển bền vững thì đồng nghĩa với các công trình xanh cũng được đề cao hướng đến hơn.

Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện có ba dự án tiết kiệm năng lượng đang được Bộ triển khai, đó là: Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững EU – Việt Nam; dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam; dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE).

Thanh Tâm