Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản sạch vụ Đông đồng bằng sông Hồng

Chủ nhật, 21/11/2021 | 09:25 GMT+7
Ngày 20/11, tại Diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ rau vụ Đông tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhiều chuyên gia, lãnh đạo trong ngành nông nghiệp đã cùng thảo luận về tiêu thụ nông sản vụ Đông 2021, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng hàng hóa.

Diễn đàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trong trạng thái bình thường mới; thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các loại rau vụ Đông niên vụ 2021; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, hợp tác xã các tỉnh đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành trên cả nước.

Năm 2021, vụ Đông miền Bắc dự kiến thực hiện với diện tích khoảng 400.000ha với sản lượng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34 - 35 nghìn tỷ đồng, trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đánh giá, vụ Đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn chủ yếu là cây ngắn ngày. Rau củ vụ này rất ngon, có chất lượng cao do hợp khí hậu, thổ nhưỡng.

Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ đang triển khai các chương trình liên quan đến sản xuất nông sản hữu cơ. Nhu cầu về sản phẩm này đang và sẽ trở thành xu hướng, sản phẩm chủ lực trong tương lai. Do đó, Bộ đang nghiên cứu thêm các tiêu chuẩn. Trước mắt, Bộ sẽ ký kết với Huế về chương trình nông nghiệp hữu cơ và sẽ mở rộng chương trình với các tỉnh miền Trung, miền Bắc để tạo ra hành lang nông sản an toàn trên cả nước, mở rộng ra nước ngoài.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình liên quan đến sản xuất nông sản hữu cơ để kích thích tiêu thụ, nâng cao chất lượng cuộc sống

Trong Diễn đàn, lãnh đạo các địa phương cũng cho biết về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương mình. Trong đó, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, tỉnh đã chuyển từng bước sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập.

Hiện tỉnh phát triển mạnh cây vụ Đông bởi vụ sản xuất này đem lại nguồn lợi cao cho người dân. Điều kiện thời tiết năm 2021 khá thuận lợi nên dự kiến đến Tết Nguyên đán 2022, sản lượng nông sản của tỉnh cung cấp ra thị trường tăng đáng kể. Do đó, nhằm kết nối tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hà Nam sẽ tổ chức Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn của tỉnh tại Hà Nội để kích cầu tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông ở Ninh Bình là hơn 5.000ha, trong đó nhiều nhất là rau đậu các loại. Nông sản của tỉnh khi cung ứng ra thị trường đều có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Ninh Bình, giá cả thị trường nông sản thời gian qua từ giảm nhẹ đến ổn định so với năm trước do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, phải thực hiện giãn cách xã hội, nên nông sản đến các đầu mối tiêu thụ bị chậm hoặc bị đứt gãy.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga chia sẻ, năng suất và giá bán của hầu hết các loại cây trồng của tỉnh đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Giá trị tổng sản phẩm ước đạt 1.018,1 tỷ đồng, bình quân 86,4 triệu đồng/ha. Sức tiêu thụ của tỉnh Nam Định hiện là 70%, 30% số nông sản còn lại sẽ phục vụ cho các tỉnh khác. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương bị dư thừa. Theo đó, đại diện tỉnh Nam Định mong muốn được hỗ trợ kết nối để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Về vấn đề tiêu thụ nông sản trong vụ này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ Đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op chia sẻ, đứng ở vai trò nhà phân phối, có 4 yêu cầu cần đáp ứng trong tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản. Đó là sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi; có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Bảo Ngọc