Tọa đàm tạo cơ hội để các chuyên gia và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Đồng thời, chia sẻ các giải pháp kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp để triển khai có hiệu quả những giải pháp sử dụng năng lượng thông qua các dự án hợp tác quốc tế...
Theo ông Hòa Thái Thanh, kiểm toán viên năng lượng, Công ty CP Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS), khung chính sách đang hoàn thiện nên các doanh nghiệp đã quan tâm đến quản lý năng lượng hơn nhưng vẫn còn tiềm năng để cải tiến hơn nữa và cần có đơn vị kiểm toán năng lượng có kinh nghiệm chuyên sâu tư vấn. Quá trình kiểm toán năng lượng cần phải bám sát theo quy trình chuẩn và hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trong báo cáo kiểm toán năng lượng, các giải pháp phải được phân tích chi tiết tiềm năng tiết kiệm năng lượng, phương án kỹ thuật, lượng tiền tiết kiệm được, khả năng hòa vốn...
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/26/hieu-qua-nl-20240926104633418.jpg)
Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp. (Ảnh minh họa)
Nói về các giải pháp kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Hà, chuyên gia năng lượng, Công ty CP RCEE-NIRAS cho biết, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình DEPP3), Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch tiến hành một số nghiên cứu về Chương trình thỏa thuận tự nguyện (VAS) nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.
Doanh nghiệp tham gia vào Chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ nhận được các hỗ trợ kỹ thuật như hỗ trợ kiểm toán năng lượng, thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng đề xuất dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng để tiếp cận vốn vay ngân hàng và chuẩn bị hồ sơ thu xếp tài chính để tiếp cận nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu. Các kết quả đạt được sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng, tuân thủ quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
Về giải pháp tài chính, ông Nguyễn Xuân Cảnh, đại diện Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã trình bày tổng quan về dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) và cơ chế của Quỹ chia sẻ rủi ro RSF. Theo đó, SHB được Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương lựa chọn làm đơn vị thực hiện chương trình (đơn vị quản lý quỹ RSF - PIE). SHB sẽ phát hành bảo lãnh chia sẻ rủi ro cho các khoản vay của tổ chức tài chính có mục đích đầu tư cho tiết kiệm năng lượng (tiểu dự án hợp lệ) của doanh nghiệp công nghiệp hoặc công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) theo quy định tại Sổ tay hướng dẫn thực hiện Quỹ chia sẻ rủi ro do Bộ Công Thương ban hành.
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng của Chương trình VNEEP3 cũng như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Đại diện SHB cũng thông tin về quy trình phê duyệt phát hành bảo lãnh chia sẻ rủi ro; nhiệm vụ và lợi ích của doanh nghiệp công nghiệp khi tham gia dự án; cũng như một số ví dụ về các doanh nghiệp công nghiệp đã cam kết tham gia dự án và đã được Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kỹ thuật.
Tọa đàm cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số ý kiến cho rằng, đối với những giải pháp có vốn đầu tư cao cần có sự hỗ trợ về tài chính từ chính phủ, các tổ chức quốc tế để hiện thực hóa nhằm giảm suất tiêu thụ năng lượng và lượng phát thải ra môi trường. Đồng thời, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất cần xem xét không chỉ ở góc độ kỹ thuật - kinh tế mà còn cả ý nghĩa bảo vệ môi trường, các lợi ích phi năng lượng.