Môi trường (old)

Hà Nội chỉ số ô nhiễm không khí đã lên mức nguy hại cho sức khỏe

Thứ hai, 30/9/2019 | 10:59 GMT+7
Ngày 30/9 nhiều khu vực ở Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI lên mức tím. Có nhiều thời điểm chỉ số không khí lên mức nâu - không khí nguy hại.

10h sáng Hà Nội vẫn mù mịt bụi

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), trong tuần từ ngày 22 đến 28/9, chất lượng không khí ở Hà Nội chủ yếu ở mức kém (màu cam), trong đó có một ngày (28/9) tại một trạm quan trắc, không khí ở mức xấu (màu đỏ). Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc dao động từ 36 đến 205.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong tuần qua, điều kiện thời tiết tác động rất mạnh đến chất lượng không khí. Đầu tuần, có mưa rải rác, thuận lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí nên nhiều trạm có chỉ số AQI mức tốt. Tuy vậy, những ngày sau đó, trời không mưa, sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm khá lớn (từ 5 đến 9 độ C), tiếp tục xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, tạo lớp sương mù tầng thấp khiến không khí không thoát lên cao, ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.

Tuy nhiên, sáng ngày 30/9 vào lúc 6h sáng, tthông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air, tất cả điểm quan trắc tại Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở mức rất cao. Nhiều khu vực mức tím - rất có hại cho sức khỏe. Vào một số thời điểm nhiều khu vực còn chuyển sang mức nâu - không khí nguy hại. 

Cụ thể, 5 điểm quan trắc chất lượng không khí AQI cao nhất trên tính đến thời điểm 8h ngày 30/9, trên ứng dụng thời tiết Air Visual như sau:

Mức độ ô nhiễm không khí thể hiện rõ qua chỉ số.

1. Phố Tây Hồ: 302 (màu nâu, mức nguy hại cho sức khoẻ, cần tránh hẳn việc ra ngoài).

2. Đường Tô Ngọc Vân: 275

3. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội: 194.

4. Hàng Đậu: 187.

5. Minh Khai, Bắc Từ Liêm: 186.

Chất lượng không khí tại các điểm quan trắc xem trên phần mềm PAM AIR

Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu - rất có hại cho sức khỏe, nhóm nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.

Các chuyên gia khuyến cáo, lúc chỉ số lên quá cao (trên 200) thì hạn chế tối đa đi ra ngoài, hoạt động thể thao ngoài trời. Những người già và trẻ nhỏ đóng cửa lại và dùng máy lọc không khí. Nếu ra ngoài, khuyến cáo nên đeo loại khẩu trang có chức năng lọc khí.

 

H. Châu