Nông nghiệp sạch

Hà Nội tạo điều kiện cho việc phát triển giống lúa chất lượng cao

Thứ sáu, 7/6/2024 | 15:45 GMT+7
Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa Japonica (J02) và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2024.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển nông nghiệp, vụ Xuân 2024, toàn thành phố đã triển khai xây dựng được 17 mô hình sản xuất lúa J02 và lúa chất lượng cao tại 16 xã thuộc 8 huyện gồm: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Phú Xuyên. Tổng diện tích 650/1.300ha (đạt 50% kế hoạch diện tích năm 2024).

Trong đó, có 30ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; 100ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; 515ha sản xuất lúa an toàn; 5ha sản xuất theo mô hình lúa – cá. Về cơ cấu giống, có 285ha lúa J02 (chiếm 43,8%), lúa Đài thơm 8 là 185ha (chiếm 28%), 90ha lúa TBR 225 (chiếm 13,8%), 60ha lúa HD11 (chiếm 9,2%).

Sản xuất lúa Japonica tại Hà Nội

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, vụ Xuân 2024, ngành nông nghiệp thành phố cơ bản đã đạt được cả 3 tiêu chí: năng suất, chất lượng, hiệu quả. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Thủ đô, tạo ra sản phẩm an toàn. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.

Cụ thể, năng suất lúa an toàn, VietGAP, giống J02 trung bình đạt 6,7 tấn/ha/vụ; giống Đài thơm 8, TBR 225, HD11 đạt trung bình 6,5 tấn/ha/vụ. Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trung bình đạt từ 5,8 - 6,2 tấn/ha/vụ. Năng suất sản xuất lúa – cá giống J02 trung bình đạt 6,4 tấn/ha/vụ, giống Đài thơm 8 trung bình đạt 6,3 tấn/ha/vụ.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường bền vững.

Hiện nay, diện tích đất trồng lúa của Hà Nội còn khá lớn, trong khi nhiều nơi chưa khai thác hết tiềm năng đất lúa nên việc đưa những giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế sẽ kéo người nông dân quay trở lại với đồng ruộng, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa xây dựng thương hiệu gạo hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, phát triển diện tích lúa hàng hóa, đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất, từ đó xây dựng thương hiệu, hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Nhân dịp này, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thanh Oai với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong và ngoài thành phố Hà Nội cùng tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm lúa J02 và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Linh Giang (T/H)