Sức khỏe

Hội Đột quỵ thế giới vinh danh bác sĩ người Việt vì những cống hiến xuất sắc

Thứ ba, 9/11/2021 | 15:12 GMT+7
Ngày 9/11, Hội Đột quỵ thế giới vinh danh 6 bác sĩ có hoạt động xuất sắc trong chuyên ngành đột quỵ năm 2021, trong đó có 1 bác sĩ là người Việt Nam.

Đây là giải thưởng hàng năm của Hội Đột quỵ thế giới với ba hạng mục, gồm giải dành cho nhà lãnh đạo xuất sắc; giải các nghiên cứu viên xuất sắc; giải cống hiến cho cá nhân đã có hoạt động xuất sắc trong chuyên ngành đột quỵ, tạo ảnh hưởng và mang lại nhiều lợi ích trong cộng đồng.

Năm 2021, PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng là đại diện đầu tiên của Việt Nam cũng như Đông Nam Á được vinh danh cho giải thưởng cá nhân đã có hoạt động xuất sắc trong chuyên ngành đột quỵ. Cùng với bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, còn có 5 cá nhân đến từ 5 quốc gia khác đoạt được giải thưởng này. Đó là bà Sandra Issida Goncalves (Brazil), PGS. Dheeraj Khurana (Ấn Độ), bác sĩ Eloy Mansilla (Chile), bác sĩ Carlos Gerardo Cantu Brito (Mexico) và PGS. Hang Aref (Ai Cập). 

Sau khi nhận giải thưởng, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng chia sẻ: "Đây là vinh dự rất lớn cho bản thân tôi, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của thế giới dành cho những nỗ lực của chuyên ngành đột quỵ và y tế Việt Nam".

PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng

So với các chuyên ngành khác, ngành điều trị đột quỵ ra đời muộn hơn. Cách đây 25 năm, y học thế giới hầu như "đầu hàng" với đột quỵ vì không có biện pháp làm giảm sự phá hủy tế bào não do bệnh này gây ra. Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ và nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu, hiện đột quỵ là bệnh có thể chữa được.

Ở Việt Nam, Bệnh viện Nhân dân 115, nơi bác sĩ Thắng công tác là đơn vị điều trị bệnh đột quỵ đầu tiên. Cách đây 15 năm, PGS. Nguyễn Huy Thắng đã vận dụng nhiều kiến thức lĩnh hội được sau 1 năm học tại Đại học Quốc gia Singapore về áp dụng ở Việt Nam.

Nhận thấy nhu cầu điều trị bệnh nhân quá lớn trong khi y học Việt Nam chưa biết nhiều đến lĩnh vực này, bác sĩ Thắng tiếp tục xin học bổng sang Mỹ 2 năm. Nhờ được tiếp cận công nghệ điều trị tiên tiến từ những nước phát triển, bác sĩ Thắng đã học hỏi và làm chủ kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị đột quỵ, từ đó mang về Việt Nam và xây dựng trung tâm đột quỵ lớn nhất cả nước, hỗ trợ cho hàng chục nghìn bệnh nhân đột quỵ mỗi năm.

Ngoài ra, PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng cũng hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị đột quỵ từ Nam ra Bắc. Những ngày cuối tuần, bác sĩ Thắng đến các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước, báo cáo, chủ trì nhiều hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm. Đến nay, Việt Nam có hơn 100 đơn vị đột quỵ, chất lượng điều trị ngày càng nâng cao, góp phần hồi sinh cuộc đời nhiều bệnh nhân.

Được biết, Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên cả nước được Hội Đột quỵ thế giới trao chứng nhận Vàng, Bạch kim và Kim cương; 21 trung tâm khác trong cả nước đã vượt qua các tiêu chí gắt gao để đạt được các chứng nhận này.

Bác sĩ Thắng bộc bạch, các trung tâm được xem là vũ khí lợi hại nhất, hữu hiệu nhất để giảm gánh nặng tử vong, tàn phế của bệnh nhân đột quỵ. Càng nhiều trung tâm ra đời, cục diện trong điều trị bệnh này càng thay đổi tích cực.

Gia Linh (T/H)