Nông nghiệp sạch

Hợp tác nâng cao chất lượng giống cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 31/5/2022 | 10:20 GMT+7
Với lợi thế tự nhiên, tỉnh An Giang và Đồng Tháp mong muốn trở thành trung tâm liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao của vùng, góp phần xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn thì hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp vẫn là những địa phương có lợi thế lớn nhất trong phát triển nghề nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra.

Trong đó, khu vực cồn Vĩnh Hòa ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (An Giang) và cồn Chính Sách ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cùng nằm ở đầu nguồn sông Tiền, rất thuận lợi về nguồn nước, điều kiện lý tưởng cho cá tra sinh sản, cho ra chất lượng con giống tốt nhất để phục vụ cho thị trường. Những yếu tố này sẽ giúp phát triển nơi đây thành trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao cũng như cá tra thương phẩm công nghệ cao.

Liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp

Tận dụng lợi thế đó, UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét, phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung của dự án liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao cồn Chính Sách và cồn Vĩnh Hòa.

Dự án có quy mô khoảng 500ha, dự kiến tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Trước đó, UBND hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng đã thống nhất quy hoạch toàn bộ diện tích cồn Vĩnh Hòa và cồn Chính Sách để sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, cung cấp cho hai tỉnh và vùng ĐBSCL.

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành hàng cá tra vẫn là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Loài cá đặc hữu của vùng ĐBSCL này được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển.

Theo đó, cuối năm 2018, khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc ở cồn Vĩnh Hòa đã cung ứng 1 tỷ con giống/năm cho thị trường. Đây là bước ngoặt quan trọng để ngành cá tra An Giang và vùng ĐBSCL phát triển vượt bậc. Thông qua việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực cá tra giống trên, An Giang mong muốn sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng, góp phần xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Cùng với An Giang, doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng tập trung triển khai dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 48,3ha, dự án đặt mục tiêu cung cấp 1,6 tỷ con cá hương và 30 triệu con cá tra giống/năm.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: An Giang luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, khi xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, giá trị con cá tra được nâng tầm lên mà không tác động xấu đến môi trường nước. Điều quan trọng trong kinh tế tuần hoàn là tất cả các sản phẩm trong quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu đều được tận dụng tối đa, hầu như không bỏ bất cứ thứ gì, kể cả chất thải.  

Mộc Trà (T/H)