Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững vùng trồng cây mắc ca ở Sơn La

Thứ năm, 7/10/2021 | 15:05 GMT+7
Sau hơn 20 năm được nuôi trồng trên đất Sơn La, cây mắc ca đã khẳng định được tính ưu việt so với một số loại cây trồng khác. Các sản phẩm từ quả mắc ca được đón nhận và bày bán tại cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh nên có thể trồng thuần loài hoặc trồng xen. Mắc ca có vòng đời khai thác trên 100 năm, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây khác. Trung bình, sau 5 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi đạt khoảng 8 tấn/ha/năm. Xác định được các tiềm năng trên của cây mắc ca, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh phát triển loại cây này trên địa bàn.

Cụ thể, tại huyện Mai Sơn, từ năm 2018, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La trồng xen mắc ca trong vườn cây cà phê, tại các xã: Chiềng Dong 15ha, Chiềng Ve 30ha, Nà Ớt 8ha, Phiêng Cằm 7ha. Mật độ trồng từ 100 – 150 cây/ha. Cây trồng là cây ghép mắt chất lượng cao tại các vườn cây giống thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Cây được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng phát triển tốt. Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 1 cơ sở chế biến mắc ca với công suất chế biến đạt 1.000 tấn/năm.

Sản lượng trung bình mắc ca tại huyện Mai Sơn đạt từ 5 -7 tấn quả tươi/ha/năm, giá bán trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, cho thu nhập ổn định từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm.

Mắc ca trên đất Sơn La sinh trưởng tốt, cho sản lượng cao

Ngày 7/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 253 về chủ trương phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với quan điểm phát triển cây mắc ca cần phải được tiến hành thận trọng, bài bản, có lộ trình, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và đánh giá thực tiễn.

UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch phát triển cây mắc ca, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000ha, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000ha. Đến năm 2025, tỉnh có 1 nhà máy chế biến hạt mắc ca với quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh Sơn La cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển cây mắc ca với chủ trương đầu tư là nhà nước cho thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật. Tổ chức liên kết thành lập các hợp tác xã hợp tác với nhà đầu tư hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm...

Bên cạnh đó, UBND huyện Mai Sơn đề nghị UBND tỉnh Sơn La phát triển vùng trồng cây mắc ca theo phương án liên kết chuỗi 3 giá trị giữa các đơn vị trồng kinh doanh mắc ca với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện tại 2 khu vực. Bao gồm: phát triển cây mắc ca trong vườn cà phê và trồng mắc ca trên đất nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi; phát triển cây mắc ca tại các khu vực quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp.

Cùng với đó, xây dựng lộ trình và chính sách cho việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế độ, chính sách hợp lý để tạo vùng nguyên liệu phát triển bền vững, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Sơn La.

Bảo Ngọc (T/H)