Sức khỏe

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người

Thứ tư, 27/7/2022 | 15:59 GMT+7
Ngày 26/7, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế họp nghiệm thu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người, với 4 giai đoạn diễn tiến bệnh.

Tại buổi họp, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ thực tế các trường hợp mắc bệnh trên thế giới và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay các tổ chức y tế uy tín khác, các chuyên gia đã xác định hiện có 4 giai đoạn bệnh đậu mùa khỉ.

Cụ thể, giai đoạn ủ bệnh kéo dài 6 - 13 ngày (dao động 5 - 21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Ở giai đoạn khởi phát (1 - 5 ngày), các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo đó, người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Với giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xuất hiện các ban đỏ trên da, thường gặp sau khi sốt 1 - 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, có nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Kích thước tổn thương da được xác định trung bình 0,5 - 1cm. Số lượng tổn thương da từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn hồi phục, các triệu chứng có thể kéo dài 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường bị phát ban, nổi hạch ngoại vi toàn thân

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết thêm, các chuyên gia chia bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: không triệu chứng, nhẹ và nặng.

Trong đó, với thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2 - 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Với thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch...), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Bệnh nhân thể này bị nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não hay nhiễm khuẩn huyết.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ghi nhận 5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh, chuyển thể nặng gồm: giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp; chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Với những trường hợp này, Bộ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tùy thuộc vào tình trạng từng người bệnh. Phác đồ này sẽ được Bộ ban hành trong thời gian tới.

Về điều trị, ở thể nhẹ, bệnh nhân được hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng, bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải. Bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng (nếu có): viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... điều trị tại khoa hồi sức ở buồng cách ly. Với thể nặng, bệnh nhân điều trị biến chứng tại buồng cách ly khoa hồi sức.

Về việc xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh, các chuyên gia và nhà khoa học tại cuộc họp thống nhất, xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương đương) với các bệnh phẩm dịch hầu họng (giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng (giai đoạn toàn phát) là biện pháp hữu hiệu.

Trước đó, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, tương tự với bệnh Covid-19 hơn hai năm qua. Hiện 75 quốc gia đã ghi nhận hơn 16.000 người mắc đậu mùa khỉ, 5 ca tử vong. Những quốc gia xung quanh Việt Nam như Campuchia, Thái Lan... cũng đã ghi nhận bệnh nhân.

Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần ban hành ngay hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm những ca đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh.

Mộc Trà