Sức khỏe

Nâng cao công tác, chính sách về trẻ em các tỉnh phía Nam

Thứ ba, 1/8/2023 | 11:23 GMT+7
Ngày 31/7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị tập huấn - Giao ban công tác trẻ em năm 2023 với lãnh đạo Sở LĐTB&XH của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ ghi nhận, đánh giá cao các mục tiêu, chỉ tiêu mà Sở LĐTB&XH phía Nam đã cố gắng đạt được. Thời gian qua, các tỉnh phía Nam đã tham mưu và đảm bảo chính sách về trẻ em được thực hiện đồng bộ, bên cạnh các chính sách cho người lao động, người dân.

Thứ trưởng đánh giá, năm 2023 là một năm rất đặc biệt, có ý nghĩa bản lề, đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ LĐTB&XH về công tác trẻ em. Thêm vào đó, quốc tế cũng đánh giá cao những nỗ lực trong công tác bảo đảm quyền trẻ em của Việt Nam, thể hiện rõ tại phiên đối thoại với Ủy ban quyền trẻ em tại Liên Hợp Quốc năm 2022.

Thông qua buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các đại biểu cùng nhau đánh giá, phân tích thật kỹ những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện công tác trẻ em; trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, giải pháp của Trung ương và địa phương đã thực hiện để đảm bảo thực hiện tốt các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành, thiết lập các hệ thống, mạng lưới trong thực hiện công tác trẻ em tại địa phương; đề xuất những kiến nghị giải pháp mang tính đột phá của địa phương đối với Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thực hiện hiệu quả pháp luật, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án về quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo công tác trẻ em 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời đưa ra những vấn đề trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, chia sẻ những giải pháp, mô hình, kinh nghiệm tốt; thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện công tác trẻ em tại địa phương; chia sẻ kết quả thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, trình độ đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em.

Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, Thông tư số 27/2022/TT-LĐTBXH của Bộ về hướng dẫn tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục; chia sẻ về kế hoạch tổ chức diễn đàn trẻ em và các vấn đề trẻ em tại địa phương; các mô hình về sự tham gia của trẻ vào các vấn đề về trẻ em.

Theo đó, trong buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, giải pháp, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đó, đề xuất, kiến nghị những vấn đề có liên quan cho Bộ LĐTB&XH, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, để có chính sách, kế hoạch giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên chia sẻ, toàn tỉnh có 160.293 trẻ dưới 16 tuổi, chiếm 23,9% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trẻ em ngày càng được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện hơn, tạo điều kiện tốt cho các cháu vươn lên, hòa nhập với cộng đồng. Dịp này, tỉnh mong muốn được chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm hay từ các địa phương khác, cũng như định hướng, chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Khánh An