Nông nghiệp sạch

Nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất cây trồng

Thứ tư, 31/8/2022 | 15:10 GMT+7
Ngày 30/8, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2022 - 2030.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, Viện đã chủ trì và tham gia thực hiện 268 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.

Trong nghiên cứu cơ bản, hàng năm Viện đã tiến hành thu thập, duy trì và đánh giá trên 2.000 mẫu giống lúa thuần, 500 mẫu vật liệu bố mẹ giống lúa lai, 500 mẫu giống cây đậu đỗ, trên 200 mẫu giống cây có củ, 40 mẫu giống cây thức ăn chăn nuôi, 200 mẫu giống rau các loại...

Trong nghiên cứu ứng dụng, Viện đã chọn tạo và công nhận 54 giống cây trồng mới; 5 quy trình công nghệ cho sản xuất; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm nông sản, 6 nhãn hiệu tập thể và 31 nhãn hiệu chứng nhận...

Trong nghiên cứu xây dựng mô hình, đã tổ chức nông dân sản xuất phù hợp và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững; hỗ trợ xây dựng cho 20 hiệp hội, hội, 70 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác với trên 20.000 số hộ tham gia...

Viện cũng đã chuyển giao 13 giống lúa thuần, 1 giống lúa lai 3 dòng HYT100 và 1 giống bí xanh thiên thanh 5 đã được thương mại hóa...

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống lúa chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, hội nghị là cơ hội giúp Viện nhận diện được những lợi thế, ưu điểm cũng như những mặt còn hạn chế. Từ đó, đánh giá đúng tiềm năng trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; đưa ra định hướng phát triển chính xác, khả thi, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, đời sống.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu ngang tầm khu vực; tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu cơ bản, tạo ra sản phẩm công nghệ có giá trị khoa học, thực tiễn, khả năng cạnh tranh cao trên các đối tượng cây trồng chính như lúa, đậu đỗ, cây có củ và rau quả.

Đồng thời, tăng cường nghiên cứu cơ bản có định hướng, đặc biệt là lĩnh vực di truyền, sinh lý, sinh hóa, công nghệ sinh học... phục vụ nghiên cứu chọn tạo và nhân giống cây trồng; nghiên cứu và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây lương thực và cây thực phẩm; ưu tiên các nghiên cứu sử dụng ưu thế lai trong chọn tạo giống cây trồng, coi đây là hướng đột phá để nâng cao năng suất sinh học và chất lượng nông sản...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả mà Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc Viện đã bắt đầu tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo gen mục tiêu và giống cây trồng.

Theo Thứ trưởng, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giá trị cao. Dư địa để phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới còn rất lớn. Do đó, trong chặng đường tiếp theo, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm phải luôn xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình; đánh giá, phân tích được những điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với công tác nghiên cứu khoa học, từ đó xây dựng cho mình định hướng phát triển, bước đi cụ thể, chắc chắn.

Đối với công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của Viện, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Viện phải rà soát lại tất cả các mối liên kết, đánh giá hiệu quả hoạt động, mức độ bền chặt. Ngoài ra, Viện cần tiếp tục xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng trẻ về tư tưởng, đạo đức, chuyên môn, tình yêu nghề, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thanh Bảo (T/H)