Sức khỏe

Ngoại giao để gia tăng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19

Thứ ba, 7/9/2021 | 16:09 GMT+7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài cần đẩy nhanh, tăng cường ngoại giao để gia tăng nguồn cung vaccine cho đất nước.

Mới đây, ở Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi gặp mặt và làm việc với 6 Đại sứ Việt Nam tại các nước khu vực châu Âu.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những kết quả đạt được của các Đại sứ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, đồng thời chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ngoại giao để các nước chia sẻ vaccine chống Covid-19 với Việt Nam.

Ông đề nghị: Các Đại sứ tiếp tục bằng mọi cách, mọi kênh, kể cả tranh thủ nguồn dôi dư, trao đổi hoặc mua vaccine phòng Covid-19, quyết liệt hơn nữa trong việc vận động, tìm kiếm thêm các nguồn cung vaccine và trang thiết bị y tế nhanh nhất và sớm nhất để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong nước.

Ngoài ra, trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các Đại sứ quán cần quan tâm mọi mặt đời sống, sinh hoạt của kiều bào tại mỗi nước; tích cực phối hợp, đề nghị với chính quyền sở tại quan tâm, bảo đảm các điều kiện chăm sóc y tế và an toàn sức khỏe, hỗ trợ sinh kế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại, trở thành cầu nối và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Tăng cường ngoại giao vaccine để đảm bảo nguồn cầu trong nước

Đáp lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Đại sứ báo cáo đã chuyển thư của Chủ tịch Quốc hội đến lãnh đạo Nghị viện các nước về đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Cũng như đã triển khai quyết liệt các hoạt động ngoại giao vaccine và đã thu được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, đến nay, Chính phủ Hungary đã tặng Việt Nam 100.000 liều vaccine. Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 150.000 liều và đang đàm phán để có thể nhượng cho Việt Nam từ 2 - 3 triệu liều vaccine. Công ty CZ ở Slovakia cam kết tặng TPHCM máy thở và các vật tư y tế trị giá 200.000 Euro.

Chính phủ Đức viện trợ 2,5 triệu liều và 75 máy thở, 15 màn hình, 20.000 máy đo nồng độ oxy; các bang, địa phương và các doanh nghiệp Đức ủng hộ 800.000 bộ kít xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn khẩu trang y tế và nhiều thiết bị y tế khác.

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ vaccine đầu tiên cho Việt Nam, tặng 500.000 liều vaccine và trao các thiết bị y tế, máy thở và máy ổn định nhịp tim trị giá 4 triệu USD cho nước ta. Hiện Việt Nam và Ba Lan đang đàm phán để có thể sớm ký thoả thuận chuyển nhượng 3 triệu liều vaccine.

Chính phủ Séc đã viện trợ 250.000 liều và cam kết sẽ tiếp tục chuyển nhượng 500.000 liều vaccine phòng Covid-19.

Về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại các nước sở tại, các Đại sứ cho biết, cuộc sống của kiều bào gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 vì đại dịch. Tuy nhiên, với tinh thần hướng về quê hương, đất nước, cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu đã tích cực ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 và đóng góp ủng hộ người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Như: cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 trị giá 1,5 tỷ đồng, cộng đồng tại Đức ủng hộ 50.000 Euro. Cũng theo các Đại sứ, cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu có ý thức phòng, chống dịch bệnh rất cao, đồng ý tiêm chủng sớm vaccine phòng Covid-19 nên tỷ lệ tử vong và mắc bệnh thấp.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội sẽ cùng Chính phủ tích cực xem xét và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong thủ tục để đẩy nhanh, đẩy mạnh việc mua, tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong nước hiện nay.

Khả Như (T/H)