Nông nghiệp sạch

Tạo mọi điều kiện cho phát triển và tiêu thụ thanh long

Thứ hai, 21/2/2022 | 17:22 GMT+7
Ngày 21/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, cả nước có trên 64.000ha thanh long với sản lượng 1.386.000 tấn; 3 tỉnh sản xuất thanh long chính là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. 

Trong quý I/2022, ước sản lượng thanh long các tỉnh trồng lớn phía Nam đạt khoảng 247.000 tấn, trong đó tháng 2 đạt khoảng 67.000 tấn và tháng 3 đạt khoảng 63.000 tấn. Những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá thanh long trong nước giảm sâu, chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện nay, một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Mai Kiều, toàn tỉnh có gần 34.000ha thanh long, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Trong đó có gần 14.000ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 335ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP.

Thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại tỉnh Bình Thuận

Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp được 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, xuất khẩu thanh long trong tỉnh Bình Thuận đã nêu những trăn trở trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long. Từ đó đặt ra bài toán về thị trường tiêu thụ hiện nay do chi phí vận chuyển tăng cao, cung vượt cầu…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức lại sản xuất thanh long và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa trong bối cảnh tình hình như hiện nay”.

Để phát triển bền vững, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long; từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, để giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản cần có sự hỗ trợ, kết nối từ Trung ương, các Bộ, ngành liên quan về nhận định tình hình, dự báo thị trường đến việc hoạch định chính sách, cơ chế hướng dẫn, bộ tiêu chí sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường…

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề xuất, Bộ NN&PTNT cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển.

Khả Như