Văn hóa, du lịch

Những hòn đảo chỉ sử dụng năng lượng mặt trời cho phát điện

Thứ ba, 16/6/2020 | 12:39 GMT+7
Với mục tiêu loại bỏ việc sử dụng dầu cho phát điện, 5 đảo dưới đây đã sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời cho toàn bộ người dân trên đảo nhằm hạn chế phát thải CO2, bảo vệ môi trường.

Tokelau (New Zealand)

Đây là hòn đảo tiên phong trong việc sử dụng nguồn năng lượng từ mặt trời trên toàn khu vực châu Âu. Nhờ dự án “Tái tạo năng lượng Tokelau” mà hơn 1.500 cư dân nơi đây đã giảm bớt phần nào chi phí cho sử dụng dầu để phát điện, thay vào đó họ sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo dự kiến ban đầu, dự án năng lượng mặt trời này sẽ đáp ứng được 90% nhu cầu sử dụng về sử dụng điện năng. Tuy nhiên, hệ thống đã vượt xa hơn cả kỳ vọng khi nó có khả năng cung cấp đến 150% nhu cầu năng lượng. Có 4.023 tấm quang điện, 1.344 pin và máy đổi điện đang hoạt động, cung cấp gần 1 MWh cho hòn đảo này. Mức năng lượng này sẽ giúp giảm tối đa ô nhiễm môi trường và sự thành công của dự án này sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các quốc gia khác trong việc phát triển công nghệ tái tạo năng lượng sạch.

Ta’u (Mỹ)

Hòn đảo Ta'u thuộc quần đảo Samoa, Mỹ, có thể đáp ứng gần như 100% nhu cầu năng lượng của người dân nhờ sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ, hệ thống lưới điện nhỏ và pin dự trữ. Được biết, khoảng 6 MWh năng lượng mặt trời dư thừa có thể được lưu trữ trong 60 bộ Tesla Powerpack, loại pin cỡ lớn dùng để dự trữ năng lượng dùng vào ban đêm.

Theo Tesla, dự án điện mặt trời sẽ thay thế cho việc sử dụng hơn 415.000 lít dầu diesel chạy máy phát điện mỗi năm, cộng thêm chi phí để vận chuyển số nhiên liệu đó ra đảo Ta'u, với quãng đường dài khoảng 6.400 km tính từ bờ biển phía Tây nước Mỹ.

Tilos (Hy Lạp)

Tilos là hòn đảo đầu tiên ở Địa Trung Hải vận hành hoàn toàn bằng điện gió và điện mặt trời. 

Với lượng khách du lịch khổng lồ mỗi năm, hòn đảo này phải lắp đặp hệ thống điện tái tạo nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện trên đảo. Với hệ thống điện tái tạo mới này, đảo Tilos sẽ hoàn toàn sử dụng các loại pin công nghệ cao được sạc bằng điện tạo ra từ tuabin gió và một công viên điện mặt trời.

Quần đảo Trường Sa (Việt Nam)

Hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng pin năng lượng mặt trời trên đảo

Hệ thống năng lượng sạch tại Quần đảo Trường Sa phân bổ khắp 33 đảo nổi, đảo chìm lớn nhỏ và 15 nhà giàn với hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, 130 tua bin gió, 60 đèn tìm kiếm và hơn 1000 đèn LED. Chỉ sau gần 1 năm thi công, hệ thống đã kịp hoàn thành đúng tiến độ và đáp ứng được 100% điện trên khắp Quần đảo Trường Sa, tạo ra được hơn 155 MWh/tháng, giúp tiết kiệm 774.000 lít dầu/năm và giảm phát thải 2.300 tấn CO2 mỗi năm ra ngoài môi trường.

Koh Totang (Campuchia)

Hòn đảo này không có dân cư nhưng lại có một nơi cư trú tên là Nomad’s Land với 5 nhà nghỉ gỗ, hoạt động nhờ năng lượng mặt trời. Koh Totang phù hợp cho những du khách muốn tách biệt trải nghiệm tự nhiên và ngắt kết nối với cuộc sống bên ngoài, ở đây cũng không có internet.

Khánh An (t/h)