Sức khỏe

Những thực phẩm quen thuộc giúp cơ thể tăng sức đề kháng khi bị ốm

Thứ ba, 26/10/2021 | 11:17 GMT+7
Thời tiết giao mùa là khoảng thời gian các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, sốt virus… diễn ra phổ biến. Để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng nên bổ sung trong bữa ăn hàng ngày một số thực phẩm cho người ốm hoặc mới ốm dậy.

Thực phẩm gia vị

Gừng: được sử dụng như một vị thuốc tại nhà, gừng đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm buồn nôn, nôn nao, làm ấm người khi bị nhiễm lạnh.

Tỏi: tỏi được sử dụng trong y học từ lâu nay. Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Theo nghiên cứu, người dùng thực phẩm bổ sung có chứa tỏi sẽ giảm khoảng 70% thời gian ốm so với người dùng giả dược. Ngoài ra, các chất chiết xuất từ tỏi có thể tăng cường chức năng miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và cúm.

Nước dừa

Nước dừa rất giàu chất điện giải. Nước dừa cũng chứa lượng đường tự nhiên từ trái cây, giúp tăng năng lượng cho cơ thể.

Khi có các triệu chứng nôn mửa, đổ mồ hôi, tiêu chảy hoặc sốt, bạn nên bổ sung nước dừa như một thực phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên, nước dừa cũng có thể gây đầy hơi nên cần lưu ý không nên uống quá nhiều.

Mật ong

Mật ong có một số đặc tính kháng khuẩn và thực tế đã được sử dụng để sát trùng vết cắt hoặc vết bỏng. Mật ong cũng có thể kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động khỏe mạnh hơn.

Mật ong còn giúp giảm ho ở trẻ trên 12 tháng tuổi.

Trà nóng

Sử dụng trà là một cách hiệu quả trong cải thiện triệu chứng cảm lạnh và cúm. Uống trà nóng cũng giúp giảm nghẹt mũi nhưng không nên uống nước trà quá nóng bởi dễ khiến cổ họng bị bỏng.

Trà xanh có chứa polyphenol rất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng chống viêm và giảm khả năng chống ung thư.

Mặc dù một số loại trà có chứa caffeine nhưng trà không gây mất nước. Vì vậy, khi bị ốm bạn có thể uống trà thường xuyên để thư giãn và thông mũi tự nhiên.

Chuối

Chuối là thực phẩm tuyệt vời nên bổ sung khi bị ốm. Chuối mềm, dễ ăn và giàu chất dinh dưỡng. Kali trong chuối có thể giúp bổ sung điện giải cho cơ thể. Bên cạnh đó, chất xơ hòa tan trong chuối khi vào cơ thể sẽ trở thành dạng gel nên có thể giúp đẩy lùi tiêu chảy bằng cách giảm lượng nước tự do trong đường tiêu hóa.

Sữa chua

Sữa chua được biết đến là một loại thực phẩm chứa nhiều men vi sinh có lợi, có thể cư trú trong ruột và mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Theo một số nghiên cứu, chế phẩm sinh học khi vào trong cơ thể có thể giúp cả trẻ em và người lớn ít bị cảm lạnh hơn, giúp khỏi bệnh nhanh hơn khi bị ốm.

Bột yến mạch

Giống như chuối, bột yến mạch dễ ăn và là thực phẩm cung cấp calo, vitamin và khoáng chất cần thiết. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, beta-glucan - loại chất xơ trong yến mạch giúp giảm viêm trong ruột. Nhưng cần nghiên cứu thêm để khẳng định nó có thể có tác dụng tương tự ở người để làm giảm các triệu chứng tiêu hóa hay không.

Quả bơ

Bơ rất giàu chất béo không bão hòa đơn lành mạnh, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Axit oleic (cùng loại axit béo có lợi được tìm thấy trong dầu ô liu) có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ miễn dịch khi cơ thể đang bị ốm.

Rau lá xanh

Các loại rau lá xanh như rau bina, xà lách và cải xoăn rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, đặc biệt là sắt, vitamin C, vitamin K và folate.

Các loại rau xanh đậm còn chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi gọi là polyphenol. Polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và chống viêm hiệu quả. Do đó, khi bị ốm hoặc mới ốm dậy, ăn rau xanh giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe và cải thiện tâm trạng.

Đặc biệt, khi mới ốm dậy, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, miệng đắng, ăn không ngon miệng, chán ăn, tinh thần kém… Do vậy, để nhanh chóng phục hồi sức khỏe và cải thiện tâm trạng chúng tao cũng nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp để người ốm nhanh lấy lại sức khỏe.

Trong đó, cần quan tâm bổ sung những thực phẩm có chất dinh dưỡng cao, tăng khả năng cho hệ miễn dịch như: gừng, củ cải đường, trứng gà… Trứng gà là một trong nhiều thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn protein dồi dào được nhiều biết đến. Trứng gà có tác dụng bổ máu, thanh nhiệt và bảo vệ gan. Với những người mới ốm dậy, sức đề kháng còn yếu, cần nấu chín trứng, không nên ăn trứng sống hoặc chưa chín hẳn.

Ngoài trứng, còn có một số loại thực phẩm cũng giàu protein, bột đường có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường trao đổi chất, như thịt, tôm cua, cá hồi… hay các loại dầu từ thực vật…

Bên cạnh đó, việc lên thực đơn một cách cân đối, khoa học cho cơ thể hàng ngày cũng là vấn đề cần quan tâm. Không nên ăn quá nhiều các thực phẩm nhiều năng lượng trong một ngày bởi nó dễ khiến bạn bị thừa chất, gây nên một số vấn đề như tăng cân nhanh, hại thận, giảm chức năng gan… Người mới ốm dậy cũng không nên ăn các món ăn khó tiêu như bánh chưng, xôi…

Có một số loại trái cây nhiều vitamin cũng có khả năng giúp người mới ốm dậy phục hồi nhanh. Cần tiêu thụ nhiều trái cây có chứa các loại vitamin khác nhau để bù các chất điện giải bị mất trước đó.

Mộc Trà (T/H)