Sức khỏe

Phục hồi xanh sau đại dịch để bảo vệ sức khỏe con người

Thứ sáu, 22/10/2021 | 10:14 GMT+7
Các quốc gia cần hướng tới việc phục hồi xanh sau đại dịch nhằm góp phần cải thiện sức khỏe con người và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong y tế cũng như thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo thường niên lần thứ 6 của The Lancet Countdown (một tạp chí của Anh), biến đổi khí hậu có mối liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Trong 44 chỉ số về tác động sức khỏe có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu được The Lancet Countdown theo dõi, tình trạng bất bình đẳng xã hội và sức khỏe của con người đang trở nên trầm trọng và tồi tệ hơn.

Cụ thể, thế giới không những thất bại trong việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng mà còn biểu lộ ra sự bất bình đẳng tương tự đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp thường ít làm gia tăng phát thải khí nhà kính nhưng đang gặp khó trong các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như trong việc nhận thức các lợi ích sức khỏe liên quan tới quá trình phi carbon hóa.

Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất, cường độ, thời gian của các đợt hạn hán, đe dọa an ninh nguồn nước, vệ sinh môi trường, năng suất lương thực, đồng thời làm tăng nguy cơ cháy rừng và hiểm họa từ các chất gây ô nhiễm. Nhiệt độ tăng cao rút ngắn thời gian sinh trưởng của thực vật, khiến năng suất suy giảm, đồng nghĩa với thiếu lương thực, ảnh hưởng đến 2 tỷ người vào năm 2019.

Bên cạnh đó, nhiệt độ bề mặt biển trung bình đã tăng lên ở vùng lãnh hải của gần 70% quốc gia ven biển được phân tích, so với giai đoạn 2003 - 2005. Điều này phản ánh mối đe dọa ngày càng tăng đối với việc đảm bảo nguồn cung cấp hải sản, trong khi có khoảng 3,3 tỷ người sống phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ biển.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19

Trước tình hình đó, nhiều quốc gia đã có chiến lược về y tế và biến đổi khí hậu, tuy nhiên đều không hiệu quả do rào cản tài chính và thiếu kỹ năng, kiến thức, đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid-19. Theo thống kê trên toàn thế giới, kinh phí đầu tư dành cho các hệ thống y tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ chiếm 0,3% tổng kinh phí dành cho hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, báo cáo của The Lancet Countdown cũng đưa ra cảnh báo đỏ trong mối tương quan giữa sức khỏe và khí hậu, cũng như chỉ ra nhiều rủi ro trong mối quan hệ đó. Những rủi ro này làm trầm trọng thêm các mối nguy về sức khỏe mà nhiều người đã phải đối mặt, đặc biệt trong các cộng đồng đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực và nước sạch, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết, bệnh do virus chikungunya và zika đang gia tăng nhanh, nhất là ở các nước có chỉ số phát triển con người cao, như châu Âu. Các ca nhiễm sốt rét ngày càng tăng ở các vùng cao nguyên mát mẻ hơn của các quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp. Các khu vực xung quanh Bắc Âu và Mỹ đang dần trở thành điều kiện thuận lợi hơn cho vi khuẩn gây viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu nghiêm trọng. Ở các quốc gia có tài nguyên hạn chế, những tác động tương tự đang hủy hoại những tiến bộ trong nhiều thập kỷ nhằm kiểm soát hoặc loại bỏ những căn bệnh này.

Báo cáo cũng nêu rõ, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều quốc gia không được chuẩn bị kỹ lưỡng cho những khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra ở hiện tại và tương lai. Chỉ 45/91 quốc gia trong năm 2021 cho biết đã thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương sức khỏe và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chỉ có 8/45 quốc gia đó báo cáo rằng đánh giá của họ về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe công dân cho thấy sự ảnh hưởng đến phân bố dân cư và phân bổ nguồn tài chính. Và có đến 69% quốc gia cho biết không có đủ nguồn lực tài chính là một rào cản để thực hiện các kế hoạch này.

Ngoài ra, nhiều kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 hiện không phù hợp với Thỏa thuận Paris, dẫn đến hệ quả là sẽ có những tác động lâu dài đến sức khỏe. Việc hỗ trợ tài chính cho năng lượng sạch còn hạn chế khiến việc thực hiện mục tiêu giữ nền nhiệt trái đất tăng ở ngưỡng 1,5 độ C trở nên không khả thi.

Theo Maria Romanello, tác giả chính của báo cáo The Lancet Countdown, các Chính phủ đang chi hàng nghìn tỷ đô la cho việc phục hồi sau đại dịch Covid nhưng việc giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo và xử lý ô nhiễm lại chưa được quan tâm đứng mức. Nếu có 5 Đô la sử dụng để phục hồi sau Covid-19 thì chỉ có ít hơn 1 Đô la trong đó được sử dụng để giảm lượng khí thải nhà kính.

Bà Maria Romanello nhấn mạnh: Đã đến lúc phải nhận ra rằng không ai được an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi chúng ta hồi phục sau Covid, chúng ta vẫn còn phải đi một con đường khác để tạo ra một tương lai tốt đẹp và bảo vệ sức khỏe hơn cho tất cả.

Trước tình trạng này, các nhà lãnh đạo toàn cầu cần triển khai các hành động và chính sách nhằm giải quyết những vấn đề trên, cải thiện sức khỏe người dân, đưa ra các kế hoạch phục hồi kinh tế, môi trường bền vững trong và sau đại dịch Covid-19.

Giáo sư Anthony Costello, Giám đốc điều hành của The Lancet Countdown cho biết, có một sự lựa chọn trong thời kỳ hiện nay, đó là phục hồi xanh sau đại dịch. Giải pháp này sẽ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe nhân loại và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng.

Lâm Bảo