Văn hóa, du lịch

Ninh Bình chuyển đổi số, hướng đến trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước

Thứ ba, 10/8/2021 | 14:57 GMT+7
Mới đây, Sở Du lịch Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 554/KH-SDL về việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành du lịch Ninh Bình, tạo bước đột phá phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ đến năm 2030. Đặc biệt, phấn đấu đưa du lịch Ninh Bình thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, 100% hoạt động quản lý nhà nước của ngành du lịch sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, liên thông với quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% dịch vụ công đủ điều kiện công bố mức độ 4, được thực hiện truy cập trên nhiều phương tiện, thiết bị khác nhau; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%.

Phấn đấu 60% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh; 90% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động về tài chính.

Ngành du lịch Ninh Bình đang dần chuyển đổi để thu hút du khách, hướng tới là trung tâm du lịch lớn của cả nước

Đến 2030, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 80%; 100% dữ liệu quản lý của cơ quan được số hóa, lưu trữ tập trung tại trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả.

Phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch góp phần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Du lịch Ninh Bình đã đề ra một số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện tại Kế hoạch, như: chuyển đổi nhận thức về chính quyền điện tử và xây dựng chính quyền số ngành du lịch; phát triển nền tảng chính quyền điện tử, hạ tầng số ngành du lịch; phát triển dữ liệu du lịch thông minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi.

Sở Du lịch Ninh Bình giao các phòng, đơn vị thuộc Sở căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị, gắn với cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, các phòng, đơn vị thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp, báo cáo Giám đốc Sở để kịp thời chỉ đạo.

Lam An