Công trình xanh

Ông Allan Teo: “KTS Việt Nam có tư duy đặc biệt và rất tiến bộ trong việc phát triển kiến trúc xanh”

Thứ ba, 29/10/2019 | 10:51 GMT+7
“Thúc đẩy công trình xanh cần can đảm hành động”. Đó là chia sẻ của ông Allan Teo, Trưởng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng công trình xanh thế giới (WGBC). Trao đổi với PV TCKT trước thềm hội thảo quốc tế “Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại”.

Ông cho biết: “Chiến lược của Hội đồng công trình xanh thế giới là thúc đẩy các thiết kế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững dựa trên sự liên kết giữa kiến trúc, môi trường và con người nhằm tạo ra những nét đổi mới trong kiến trúc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống”.

PV: Ông cảm thấy thách thức lớn nhất cho thiết kế hay đánh giá một công trình xanh bền vững là gì?

Ông Allan Teo: Như các bạn đã biết, phát triển công trình xanh còn rất nhiều rào cản. Tôi cho rằng thiếu động lực, không có tầm nhìn là những thách thức chính đối với thiết kế công trình xanh. Việc đánh giá công trình xanh cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh nghiệm, giải pháp và công nghệ. Ngoài ra, để đánh giá yếu tố bền vững của công trình, điều quan trọng là phải theo sát quá trình từ thiết kế đến xây dựng, cũng như trong thời gian sử dụng của công trình.

PV: Vậy theo ông, công nghệ và vật liệu xanh có vai trò như thế nào trong phát triển công trình xanh và phát triển bền vững?

Ông Allan Teo: Công nghệ và vật liệu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các công trình xanh phát triển bền vững. Tôi tin rằng chúng ta đã bắt đầu có đủ công nghệ và vật liệu để áp dụng cá thiết kế xanh nhưng không dừng lại ở đó, chúng ta vẫn cần liên tục đổi mới và thúc đẩy các ranh giới để cải thiện. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng công nghệ là công cụ để thiết kế, chúng ta cần hành động “mạnh mẽ” hơn trong việc tạo ra các công trình xanh mới mang lại tác động tích cực lâu dài.

Allan Teo hiện giữ vai trò là Trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Hội đồng công trình xanh thế giới. Ông tập trung việc phát triển các bên liên quan trên thế giới và Hội đồng công trình xanh trong khu vực để thúc đẩy, tạo cơ hội phát triển các chuyên đề liên quan đến kiến trúc xanh. Allan có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tư vấn tư cho các hoạt động tư nhân lẫn chính phủ. Với vai trò là một nhà tư vấn cho các công ty tư nhân, Allan đã giúp khách hàng phát triển và mở rộng các thị trường mới trong các lĩnh vực thành phố thông minh, chuyển đổi số, thiết kế thực tế ảo/thực tế tăng cường,….Mặt khác, Allan trước đây từng là Giám đốc điều hành và Phó chủ tịch cấp cao( phát triển kinh doanh/ marketing & quan hệ chính phủ khu vực Châu á / ANZ) tại Greenwave Systems – Công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực Internet of Things và quản lý năng lượng tại nhà.

PV: Vật liệu phủ bề mặt, ở đây là mặt dựng có vai trò quan trọng trong giải pháp thiết kế các công trình xanh, Ông có thể cho biết trong các tiêu chí đánh giá của WGBC có tiêu chí cụ thể cho mặt dựng xanh?

Ông Allan Teo: Mặt dựng trong công trình đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một công trình xanh từ thiết kế, cấu trúc, vật liệu, màu sắc,… Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng tôi biết với sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ các Tập đoàn như AGC đã đạt được tiến bộ tốt trong việc đổi mới mặt tiền và có giải pháp tuyệt vời. Tôi chắc chắn các chuyên gia AGC có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này với chúng tôi.

PV: Từ kinh nghiệm phát triển công trình xanh ở Singapore, Ông có thể nói rõ hơn về những hành động để phát triển công trình xanh?

Ông Allan Teo: Đến Singapore và bạn có thể xem và tìm hiểu về hành trình Singapore đã thực hiện để biến những tòa nhà cao tầng luôn “xanh”. Singapore đã có những bước tiến đáng kể trong không gian công trình xanh, nhưng chúng tôi chắc chắn chúng tôi cần và vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển hơn nữa. Đó chính là việc hợp tác và học hỏi lẫn nhau trong khu vực và toàn cầu. Tuần lễ Môi trường Xây dựng Quốc tế chính là nơi các nhà thầu, chủ đầu tư và KTS toàn quốc có thể giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về công trình xanh.

PV: Khi thiết kế những công trình xanh ở Việt Nam, các KTS VN đã gặp khá nhiều rào cản, đặc biệt trong việc thuyết phục chủ đầu tư về bài toán kinh tế. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của ông xung quanh vấn đề này?

Ông Allan Teo: Tôi tin rằng khi thuyết phục chủ đầu tư cần kiên trì và tìm hiểu kĩ về đối tượng đang tiếp cận, không chỉ một cuộc nói chuyện là có thể giải quyết được những vấn đề này. Cách khôn khéo có thể áp dụng, chúng ta có thể chia sẻ các trường hợp từ khắp nơi trên thế giới để minh chứng những giải pháp xanh có thể làm được thậm chí là làm rất tốt và mang lại giá trị trong toàn hệ sinh thái, phát triển đô thị mà vẫn giữ gìn được môi trường. Hội đồng công trình xanh thế giới (WGBC) luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước trong công cuộc thu hút và phát triển công trình xanh.

PV: Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề môi trường đang được xã hội đặc biệt quan tâm, liên hệ đến việc xu hướng phát triển công trình xanh tạo môi trường trong lành đang là xu hướng tất yếu. Ông nhận xét thế nào về công trình xanh và những vấn đề của Việt Nam hiện nay?

Ông Allan Teo: Việt Nam đang trên bước đường phát triển mạnh mẽ, các KTS Việt Nam có những phương án giải quyết thiết kế khắc phục những khó khăn về mặt công nghệ vật liệu mang lại tính đột phá trong công trình, điều đó khiến tôi rất nể phục. Trên thực tế, tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi từ các KTS Việt Nam. Tôi đã gặp một số KTS Việt Nam có tư duy đặc biệt và rất tiến bộ, họ đã bắt đầu cuộc hành trình xanh và thiết kế những công trình xanh tuyệt vời. Những điều đó chính là tiền đề, động lực để phát triển bền vững:

Chúng ta hãy can đảm và hành động táo bạo ngay bây giờ. Mỗi người cần phải hành động ngay bây giờ và cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng xây dựng này. Chúng ta cần thiết kế “xanh”, xây dựng “xanh” và vận hành cũng cần “xanh” để hướng tới một tương lai tươi đẹp cho cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam