Phát triển bền vững hệ thống đô thị vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ sáu, 10/2/2023 | 11:09 GMT+7
Phát triển hệ thống đô thị (theo mô hình TOD) vùng đồng bằng sông Hồng bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển hệ thống đô thị trong vùng hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để đồng bằng sông Hồng trở thành vùng đô thị lớn, có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt. 

Lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị (theo mô hình TOD). Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng, đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất.

Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng

Tiếp tục thực hiện Quy hoạch chung xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phát huy vai trò hạt nhân động lực các đô thị trong vùng. Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc, cả nước và hội nhập vào mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á; thành phố Hải Phòng phấn đấu trở thành đô thị loại đặc biệt, xanh, thông minh, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng với các chỉ tiêu y tế, giáo dục, đào tạo đạt mức bình quân của đô thị thuộc 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định gắn với phát triển kinh tế biển; chuỗi đô thị tại tỉnh Hưng Yên và Hà Nam gắn với hạ tầng y tế - giáo dục cấp vùng và giảm tải cho các đô thị lớn; chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics.

Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; tiếp tục thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tập trung cải tạo, chỉnh trang các chung cư hết niên hạn sử dụng, chung cư xuống cấp, mất an toàn, đặc biệt là các đô thị lớn. Có chính sách đủ mạnh, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động và xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Sớm hoàn thiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông nghiệp, nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển, nhất là các tuyến đê cấp III, cấp đặc biệt thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt nguồn lực khu vực tư nhân để đầu tư các công trình trọng điểm, động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải khác nhau. 

Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng

Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức, phát huy lợi thế về cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các hành lang kết nối của vùng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro tại Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc…

Tiếp tục tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Đa dạng hóa nguồn lực và hình thức đầu tư để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; hệ thống công trình thoát nước, chống ngập tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương trong vùng. 

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, du lịch để phát huy thế mạnh của vùng, của từng địa phương. Chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, nhất là tại Hà Nội và các đô thị lớn; rà soát, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, chống biến đổi khí hậu.

Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT)… đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các địa phương trong vùng, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh; triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đức Dũng