Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững nông nghiệp trong bối cảnh đô thị hóa, thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ hai, 22/7/2024 | 14:14 GMT+7
Tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về kết quả nghiên cứu Đề tài phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu (Đề tài KX.04/21-25).

Đề tài KX.04/21-25 là cơ hội, động lực cho các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung, các nhà khoa học ở nhiều đơn vị nghiên cứu nói riêng đề xuất phương pháp nghiên cứu mới, có đánh giá mang tính toàn diện về quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay.

Theo ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hội thảo tạo diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, giảng viên thảo luận tìm ra những nút thắt trong triển khai quan điểm, chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian qua. Từ đó, đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững nông nghiệp gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa

Thông qua hội thảo, các đại biểu được trao đổi, cung cấp luận cứ khoa học, từ đó đưa ra kiến nghị tới Đảng, Nhà nước những vấn đề về cơ hội, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, góp phần chuẩn bị tài liệu quan trọng tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Chia sẻ về khía cạnh thách thức đô thị hóa với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Trần Mạnh Hải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chỉ ra những cơ hội của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Theo đó, đô thị hóa đóng vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, với tỷ lệ dân số sống ở các thị trấn và thành phố tăng từ ít hơn 20% năm 1990 lên hơn 38,1% vào năm 2023. 10 năm gần đây, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 42% năm 2023.

Ông Trần Mạnh Hải kiến nghị cần rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và cả nước đảm bảo thực hiện yêu cầu phát triển hài hòa, gắn kết giữa đô thị và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng nhằm sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phát triển đô thị; khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất thông qua miễn giảm thuế thu nhập từ sử dụng đất. Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các đô thị và nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng. 

TS. Nguyễn Đức Chính, Học viện Chính trị khu vực I đề xuất, hệ thống đào tạo của ngành nông nghiệp cần cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường; cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách để từng bước xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có phương án giữ chân và thu hút lao động trẻ. 

Gia Bách (T/H)