Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), khu tích rừng Trần Hưng Đạo, Pắc Bó (Cao Bằng), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), đỉnh Phia Oắc, thác Bản Giốc, Mắt Thần Núi (Cao Bằng), động Tam Thanh, đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và nhiều điểm tương đồng về văn hóa các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao…
Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đánh giá: Việc tạo liên kết giữa 3 tỉnh là cần thiết, là cách phát huy sức mạnh hợp lực, từ đó chúng ta mới liên kết được phạm vi rộng hơn như: vùng Quảng Tây (Trung Quốc), vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hay các nước khu vực Đông Nam Á.
Liên kết du lịch ba tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn để thúc đẩy tiềm năng du lịch địa phương
Theo các chuyên gia du lịch, nếu các địa phương liên kết tạo các tour du lịch về nguồn kết hợp với trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái chắc chắn sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, khi điểm nghẽn về giao thông giữa các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn từng bước được tháo gỡ, cũng là lúc các địa phương nắm bắt cơ hội, liên kết, liên thông khai thác và phát huy những tiềm năng về du lịch để phát triển kinh tế xã hội bền vững, cải thiện đời sống của người dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng là hành động thiết thực để cùng hiện thực hóa mục tiêu chung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 3 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn và Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương.
Để tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông khu vực Cao - Bắc - Lạng, Chính phủ và các địa phương đang triển khai quyết liệt nhiều dự án phát triển giao thông đồng bộ, nhất là tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dự kiến hoàn thành trước 2025; các tuyến đường nối từ Thái Nguyên đến hồ Ba Bể cũng đang thi công khẩn trương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực để nâng cấp tuyến đường từ Bắc Kạn lên Cao Bằng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng Lã Hoài Nam cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường trọng điểm cho phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và nông nghiệp. Đến 2030 sẽ nâng cấp, xây dựng các tuyến trọng điểm kết nối như quốc lộ 3, đường tỉnh 212 nối Bắc Kạn, quốc lộ 4A nối Lạng Sơn. Các tỉnh miền núi địa hình khó khăn, chia cắt nên định suất đầu tư cho giao thông rất lớn, trong khi các tỉnh đều khó khăn, nguồn lực hạn chế. Do đó, chúng tôi đề xuất đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đồng thời kiến nghị Trung ương, Chính phủ hỗ trợ các tuyến giao thông trọng điểm”.
Khi hạ tầng giao thông từng bước được tháo gỡ, vấn đề liên kết xây dựng và vận hành các tuyến, điểm du lịch liên thông các địa phương Cao - Bắc - Lạng nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, đủ sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế sẽ là điểm khó tiếp theo. Mặc dù 3 tỉnh bước đầu đã có sự hợp tác liên quan đến quảng bá, phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn chưa liên kết đủ để tạo dựng chuỗi sản phẩm du lịch liên thông thực sự hiệu quả trong chiến lược phát triển tiểu vùng du lịch Đông Bắc.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn nhận định: Việc kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị lữ hành hiện còn chưa thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân bởi du khách đến những vùng Cao - Bắc - Lạng vẫn còn theo mùa, chủ yếu tập trung vào dịp mùa xuân hoặc các ngày lễ lớn của các tỉnh. Do đó, làm sao để kết nối được thường xuyên, liên tục và xây dựng được sản phẩm du lịch 4 mùa trong năm là hướng các tỉnh cần ưu tiên quan tâm…