Ngày 29/5, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp các Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ, HealthBridge, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) tổ chức Lễ công bố hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị.
Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị lần đầu tiên được biên soạn và xuất bản bằng tiếng Việt dựa trên bài học kinh nghiệm từ các dự án an toàn đường bộ và thí điểm phát triển hạ tầng xe đạp gần đây tại các thành phố của Việt Nam cũng như các nghiên cứu điển hình trên thế giới.
Hướng dẫn khuyến nghị các giải pháp thiết kế hạ tầng giúp người đi xe đạp an toàn và thuận tiện nhằm thúc đẩy xe đạp trở thành phương tiện di chuyển hàng ngày, phù hợp với mọi lứa tuổi và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị được Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chủ trì xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ GIZ, HealthBridge và WRI. Việc xây dựng, thiết kế và in ấn hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị được Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ trong khuôn khổ dự án DeveloPPP “Thúc đẩy và thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại Việt Nam hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững và thành phố thông minh”, dự án Sáng kiến vì an toàn đường bộ toàn cầu” (BIGRS) của Bloomberg và Chương trình Thành phố đáng sống của HealthBridge.
Quang cảnh buổi lễ
Sự kiện ra mắt hướng dẫn này là minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề dân số đô thị đang tăng nhanh, dự báo sẽ đạt 50% tổng dân số Việt Nam vào năm 2025. Tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến áp lực quản lý các dịch vụ công cộng đô thị, bao gồm những vấn đề liên quan đến giao thông đô thị và môi trường. Hệ thống đường đô thị hiện tại thiết kế dành cho giao thông cơ giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với những nhóm tham gia giao thông dễ bị tổn thương, trong đó có người đi xe đạp. Trong khi đó, các đường phố nhỏ lại không có đủ không gian và cơ sở vật chất cho người đi xe đạp và người đi bộ.
Hướng dẫn bao gồm các đề xuất trên phạm vi rộng, tập trung vào 5 lĩnh vực hành động chính: thiết kế cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, thiết kế nút giao thông dành cho xe đạp, thiết kế nhằm giảm thiểu xung đột, tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường và biển báo giao thông, công trình phụ trợ.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết: Chúng tôi khuyến khích các nhà quy hoạch đô thị, nhà thiết kế đô thị, kỹ sư đường bộ và các nhà quản lý thành phố sử dụng hướng dẫn này như một tài liệu tham khảo khi xây dựng và triển khai dự án. Hướng dẫn này cung cấp những giải pháp trên cả phương diện lý thuyết và kỹ thuật cho các vấn đề hạ tầng xe đạp, phù hợp với tiêu chuẩn 13592:2022 Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế tại Việt Nam mới được ban hành.
Thanh Trúc