Văn hóa, du lịch

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Tây Nguyên

Thứ ba, 21/5/2024 | 15:45 GMT+7
Một nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là “Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Đà Lạt…”.

Ngày 20 và 21/5, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn đầu đến làm việc tại Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt. Tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắc H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của 2 tỉnh và ban giám hiệu, lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị của 2 trường đại học.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 đột phá chiến lược, cũng là yếu tố then chốt để Tây Nguyên phát triển bền vững. Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt sẽ phát triển thành 2 trung tâm nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên và đất nước. Vì vậy, cần xác định rõ, cái nào tỉnh đầu tư, cái nào Bộ GD&ĐT đầu tư để xây dựng đề án cụ thể cho từng trường. Trên cơ sở đề án của 2 trường sẽ tổng hợp thành Đề án phát triển Trung tâm đào tạo chất lượng cao trình Bộ GD&ĐT, để Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phê duyệt”.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm việc tại Trường Đại học Tây Nguyên 

Theo “Đề án phát triển Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên báo cáo, đến năm 2030, Trường ĐHTN sẽ thành đại học vùng và đến năm 2045 sẽ trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề mũi nhọn cho Tây Nguyên và các nước vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk  Lắc H’ Yim Kđoh khẳng định việc Bộ GD&ĐT quan tâm, đề xuất giải pháp xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường ĐHTN phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trường đại học và tỉnh cần tiếp tục phối hợp để có cơ chế chính sách phát triển giáo dục phổ thông, nâng cao tỷ lệ đầu vào học đại học tại Trường ĐHTN, nâng cao chất lượng đào tạo đối với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là chú trọng đào đạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với ngành sư phạm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắc H'Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc 

Tại Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL), Đề án “Xây dựng Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Thành phố Đà Lạt của Trường Đại học Đà Lạt” do lãnh đạo nhà trường báo cáo, cho biết nhà trường có tổng diện tích khuôn viên hơn 38 ha, hơn 40 tòa nhà giảng đường, phòng thí nghiệm, khu sản xuất thử nghiệm, ký túc xá. Trường hiện có 451 người, trong đó 315 giảng viên, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 39,4%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước…

Xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Thành phố Đà Lạt với nòng cốt là Trường ĐHĐL có vị trí chiến lược quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, gồm tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông, trong đó Thành phố Đà Lạt được xác định là trung tâm của tiểu vùng, cùng với Trung tâm đào đạo chất lượng cao tại Thành phố Buôn Ma Thuột góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu 

Theo Đề án, Trung tâm đào tạo chất lượng cao (Trung tâm) tại Thành phố Đà Lạt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông cũng như các khu vực ảnh hưởng lân cận (Ninh Thuận, Bình Thuận). Ngoài nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng Nam Tây Nguyên và các khu vực ảnh hưởng lân cận còn là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới, sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, có vai trò dẫn dắt, kết nối, hỗ trợ với các trường đại học, cao đẳng trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu ở từng lĩnh vực, loại hình, trình độ đào tạo. Đồng thời hỗ trợ, kết nối, chia sẻ trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ….

Đại biểu phát biểu tại Trường Đại học Tây Nguyên 

Phó Chủ tịch Phạm S khẳng định, Trường ĐHĐL đủ các điều kiện thuận lợi khách quan và chủ quan để thành lập Trung tâm đào tạo chất lượng cao. Cần xác định lộ trình đến năm 2030 và 2045 và đồng thời nghiên cứu để định hình phát triển vị thế của Trung tâm nằm ở đâu trong quốc gia và trong khu vực Đông Nam Á…Theo đó, cần phát huy những tiềm năng thế mạnh của Trường ĐHĐL trên cơ sở nhu cầu của xã hội để đào tạo theo hướng chất lượng cao…

Đại biểu phát biểu tại Trường Đại học Đà Lạt

Qua Đề án của 2 trường đại học, ý kiến của lãnh đạo UBND, các sở, ngành 2 tỉnh và thành viên đoàn Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị 2 trường đại học tiếp tục xây dựng nội dung Đề án theo hướng xác định rõ yêu cầu, bối cảnh, xu hướng, những thế mạnh…để từ đó hình dung được cơ hội và thách thức trong phát triển trung tâm giáo dục chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kết luận buổi làm việc tại Thành phố Đà Lạt

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, một trường đại học thành công cần đến các yếu tố: thương hiệu, năng lực quản trị, đội ngũ cán bộ, nguồn lực tài chính. Xây dựng chiến lược đào tạo cần gắn với sự phát triển của địa phương. Việc thành lập trung tâm giáo dục chất lượng cao không phải là xây dựng trung tâm mới mà là phát triển trường đại học thành một trung tâm đào tạo có chất lượng tầm khu vực. Mở rộng, nâng cấp trên nền tảng đã có để tập trung đầu tư, mở rộng về không gian phát triển, diện tích, quy mô đào tạo, đội ngũ; nâng cấp về trình độ giảng viên, diện tích, cở sở vật chất…Nhà trường cần xác định lại tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và cụ thể hóa theo từng giai đoạn phát triển đến 2030 và tầm nhìn 2045, sớm hoàn thành Đề án gửi về Bộ GD&ĐT để Bộ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Minh Đạo