Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai, 3/4/2023 | 15:15 GMT+7
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức cuộc họp rà soát tiến độ chuẩn bị các dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

Được biết, từ tháng 3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng 6 đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát, làm việc với 13 tỉnh, thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để trao đổi về quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án Mekong DPO. Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 16 đề xuất dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỷ đồng.

Trong các dự án đề xuất, đáng kể nhất là loạt dự án đường ven biển dài khoảng 415km qua 7 tỉnh miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) có tổng mức đầu tư gần 43.000 tỉ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp rà soát tiến độ chuẩn bị các dự án Mekong DPO

Ngoài ra, các địa phương không giáp biển như tỉnh Vĩnh Long đề xuất dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2), với tổng mức đầu tư 4.159 tỉ đồng; Hậu Giang đề xuất dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37km, tổng mức đầu tư 3.888 tỉ đồng; Đồng Tháp đề xuất dự án hạ tầng đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tổng mức đầu từ 4.266 tỉ đồng; An Giang đề xuất dự án xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt vùng tứ giác Long Xuyên, tổng mức đầu tư 2.664 tỉ đồng; thành phố Cần Thơ đề xuất dự án phát triển bền vững thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu, tổng mức đầu tư gần 9.800 tỉ đồng.

Các dự án do Bộ Giao thông vận tải đề xuất gồm cải tạo 3 tuyến quốc lộ là quốc lộ 53 dài 46km; quốc lộ 62 dài 77km và đường Nam sông Hậu dài 142km với tổng mức đầu tư 7.158 tỉ đồng. Bộ NN&PTNT đề xuất 3 dự án gồm: cải tạo hệ thống kênh trục chính chuyển nước từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau; cải tạo hệ thống kênh trục chính liên vùng, liên tỉnh khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu; kết nối hệ thống thủy lợi Bảo Định - Gò Công - Tân Trụ với tổng mức đầu tư 6.619 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, đại diện UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều thống nhất rằng, cả 16 dự án đều cấp thiết và ưu tiên như nhau; mong muốn được triển khai nhanh và đồng bộ. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển cần được đầu tư đồng bộ, khép kín, tối thiểu phải là đường cấp III đồng bằng, tránh tình trạng đoạn qua tỉnh này thì cấp III, đoạn qua tỉnh khác thì cấp IV…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về tiến độ của các dự án Mekong DPO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12/2023 sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với các dự án của Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 6/2024. Còn các dự án của các tỉnh/thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 9/2024.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương cần kết thúc việc điều chỉnh, rà soát, thay đổi tuyến, cũng như thay đổi tổng mức đầu tư dự án... trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, phải cân đối, báo cáo cấp thẩm quyền địa phương, HĐND về khả năng đối ứng của địa phương đối với các dự án DPO.

Kim Bảo (T/H)