Phối hợp bảo vệ tầng ozone theo Nghị định thư Montreal

Thứ hai, 13/3/2023 | 17:30 GMT+7
Từ ngày 13 – 15/3, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức cuộc họp “Mạng lưới cán bộ văn phòng ozone các quốc gia Đông Nam Á”.

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang cho biết, để bảo vệ tầng ozone, từ năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ozone trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời trong khuôn khổ Công ước Vienna.

Sau hơn 30 năm thực hiện Nghị định thư Montreal, các quốc gia đã loại bỏ trên 90% các chất làm suy giảm tầng ozone có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác, giúp hạn chế đáng kể tác động của các chất làm suy giảm tầng ozone và chất gây hiệu ứng nhà kính, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay.

Cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát (bao gồm các chất làm suy giảm tầng ozone ODS và các chất gây hiệu ứng nhà kính HFC), làm cơ sở để thực hiện lộ trình loại trừ dần các chất HFC từ ngày 1/1/2024.

Phối hợp bảo vệ tầng ozone theo Nghị định thư Montreal

Theo ông Shaofeng Hu, điều phối viên cao cấp khu vực Nghị định thư Montreal, 7 trong số 11 quốc gia Đông Nam Á đã phê chuẩn Bản sửa đổi Kigali, trong khi các quốc gia còn lại đang nỗ lực phê chuẩn. Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển sôi động cả về kinh tế nói chung và lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí nói riêng. UNEP khuyến khích các quốc gia còn lại khẩn trương phê chuẩn Bản sửa đổi Kigali nhằm đưa ra một cam kết chính trị rõ ràng trong việc thay thế dần các chất gây phá hủy tầng ozone và phát thải khí nhà kính.

Ông Shaofeng Hu nhấn mạnh, việc có Chiến lược quản lý các chất HFC phù hợp sẽ giúp các quốc gia vừa tuân thủ nghĩa vụ loại trừ dần các chất HFC vừa duy trì sự phát triển các ngành kinh tế liên quan đến lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí. Tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược cần có sự bao quát toàn diện về các ngành liên quan, cũng như thách thức của từng ngành trong việc giảm dần HFC.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận về thông tin cập nhật liên quan đến Nghị định thư Montreal; các chính sách, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia đối với việc xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC; chiến lược tăng cường truyền thông trong khu vực năm 2023; vấn đề lồng ghép giới trong thực thi Nghị định thư Montreal. Một số vấn đề cụ thể như quản lý môi chất lạnh trong lĩnh vực điều hòa di dộng; quản lý về môi trường đối với các chất ODS bị tịch thu và không sử dụng hoặc đã qua sử dụng.

Được biết, từ ngày 15 - 16/3 cũng diễn ra hội thảo Phối hợp giữa cán bộ mạng lưới ozone và hải quan các quốc gia Đông Nam Á. Tại đây, đại diện các cơ quan quản lý về ozone và hải quan cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc báo cáo, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Lâm Bảo