Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với phát triển kinh tế bền vững

Thứ ba, 4/7/2023 | 10:22 GMT+7
Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT, phục vụ phát triển bền vững đất nước dựa trên sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường theo lãnh thổ xác định để BVMT. Hoạt động BVMT hướng tới thực hiện xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero).

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là chủ động ngăn ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trên phạm vi toàn quốc.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, môi trường là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững đất nước. Do đó, bên cạnh việc thẩm định, nội dung Quy hoạch cần được tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa với cách tiếp cận đa ngành, đa vùng; cần cập nhật theo mô hình tăng trưởng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội với BVMT.

Phó Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ chính trong công tác BVMT hiện nay gồm: gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn những khu vực có cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học quan trọng; từng bước phục hồi những khu vực bị suy giảm chất lượng, ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển; chủ động phòng ngừa để phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường; phát triển BVMT thành ngành kinh tế mới thông qua phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi môi trường.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng cần cập nhật các xu thế mới của thế giới về giảm phát thải khí nhà kính; xử lý, tái sử dụng 100% nước thải; thể chế hóa nội dung Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Luật BVMT năm 2020.

Các đại biểu tham gia cuộc họp đã cùng đánh giá giải pháp tổng thể đề cập trong Quy hoạch phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao bao gồm: đổi mới tư duy quản lý, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách hệ thống pháp luật về bảo vệ về BVMT phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Ngoài giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, một số ý kiến đề nghị khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực xã hội hóa trong cung cấp các dịch vụ môi trường, hệ sinh thái, xử lý chất thải rắn, nguy hại; ưu tiên công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải…

Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp thì vấn đề BVMT phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Vì vậy, Quy hoạch BVMT phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa đối với những tác động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với hướng tiếp cận Quy hoạch không giới hạn ở biên giới quốc gia, tiếp cận theo hệ sinh thái tự nhiên, không gian môi trường như rác thải nhựa đại dương, nạn cháy rừng, đa dạng sinh học… Từ đó, đề nghị Quy hoạch BVMT phải xây dựng luận chứng, tiêu chí xác định các dự án, kế hoạch ưu tiên cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phục hồi môi trường.

Trong đó, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học hiện có là bộ phận quan trọng nhất, tiếp đến là ưu tiên khắc phục, cải tạo khu vực ô nhiễm môi trường, cuối cùng là định hướng phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội dựa trên bảo tồn, BVMT.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT, đơn vị tư vấn nghiên cứu, thu thập, xây dựng, cập nhật dữ liệu về các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…; tính khả thi của việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung trong khi đang đẩy mạnh phân loại, xử lý, tái chế rác thải tại nguồn…

Mộc Trà (T/H)