Chất lượng không khí đóng vai trò sống còn đối với con người, đặc biệt là không khí trong nhà - nơi có mức ô nhiễm thường cao hơn ngoài trời tới 5 lần. Các nguồn ô nhiễm phổ biến bao gồm: hoạt động nấu nướng, vệ sinh, vật liệu xây dựng, nội thất, và sinh hoạt hàng ngày, phát sinh các chất độc hại như Formaldehyde, VOC, bụi amiăng, bức xạ Radon, vi khuẩn, nấm mốc...
Sách “Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và vận hành công trình đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo TCVN 13521:2022” do trường Đại học Xây dựng Hà Nội biên soạn từ kết quả nghiên cứu “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng và vận hành tòa nhà đảm bảo chất lượng môi trường không khí bên trong các công trình dân dụng theo TCVN 13521:2022, Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà” do Bộ Xây dựng giao Trung tâm Môi trường và Đô thị công nghiệp (Hội Môi trường xây dựng Việt Nam) thực hiện.

Nâng cao chất lượng không khí trong công trình đảm bảo môi trường sống và làm việc trong lành. (Ảnh minh họa)
Sách cung cấp những kiến thức chuyên sâu, cập nhật và thực tiễn nhất để hỗ trợ các kỹ sư, kiến trúc sư, chủ đầu tư đảm bảo môi trường sống và làm việc trong lành, nâng cao chất lượng không khí trong công trình. Bên cạnh đó, sách cung cấp các tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật và phương pháp đánh giá mới nhất nhằm hỗ trợ các đơn vị thiết kế, thi công và vận hành công trình tuân thủ theo TCVN 13521:2022, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu về sức khỏe và môi trường.
Sách gồm 7 chương. Trong đó, chương 1, tổng quan về chất lượng không khí trong nhà và sức khỏe con người. Chương 2, yêu cầu chất lượng không khí trong nhà trong TCVN 13521:2022 và các yếu tố liên quan. Chương 3, hướng dẫn chung trong thiết kế, thi công và vận hành công trình để đạt mục tiêu chất lượng không khí trong nhà. Chương 4, hướng dẫn thiết kế, lựa chọn vật tư thiết bị để đạt mục tiêu chất lượng không khí trong nhà và hiệu quả năng lượng. Chương 5, hướng dẫn quản lý hoạt động thi công để đạt mục tiêu chất lượng không khí trong nhà. Chương 6, hướng dẫn quản lý vận hành và bảo trì công trình để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà. Chương 7, hướng dẫn kiểm tra, đo lường chất lượng không khí trong nhà và trao đổi thông tin.
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, GS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Cuốn sách được ra đời với mong muốn lan tỏa và truyền thông rộng rãi các giải pháp thiết kế, thi công và vận hành công trình nhằm đảm bảo chất lượng không khí trong nhà đến các cơ quan, tổ chức cũng như những người sống và làm việc trong các tòa nhà.
Chủ nhiệm nhiệm vụ biên soạn - GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng khẳng định: Việc xây dựng tiêu chuẩn là bước quan trọng nhưng cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể để triển khai hiệu quả. Tôi đánh giá cao cuốn Hướng dẫn kỹ thuật do các chuyên gia biên soạn, xem đây là tài liệu thiết thực cho kỹ sư, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà đầu tư và người sử dụng công trình tại Việt Nam.