Công trình xanh

Phát triển ngành vật liệu xây dựng hiện đại và bền vững

Thứ hai, 11/11/2024 | 09:18 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã tổ chức hội thảo “Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga nhấn mạnh yêu cầu tất yếu, khách quan của việc phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững và cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm giới thiệu những đổi mới của ngành công nghiệp vật liệu thời gian qua, đồng thời tạo cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận, xác định những nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu cụ thể ngành vật liệu xây dựng phải phấn đấu trong thời gian tới.

Để ngành vật liệu xây dựng Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại và phát triển bền vững, ông Tống Văn Nga mong muốn chính quyền các cấp, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tiếp tục quan tâm, đi sâu nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm vật liệu xây dựng mới có chất lượng tốt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Nghiên cứu, phát triển những sản phẩm vật liệu xây dựng mới có chất lượng tốt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường

Trình bày tham luận “Đổi mới công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng 40 năm nhìn lại” tại hội thảo, TS. Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đã đạt được những bước tiến đáng kể về năng lực sản xuất trong những năm gần đây, giai đoạn trước năm 2010 nhiều sản phẩm chủ yếu của nước ta như clinker, gạch ốp lát các loại, sứ vệ sinh, kính xây dựng vẫn phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước.

Nhiều loại vật liệu xây dựng ở nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về sản xuất và tiêu thụ. Năng lực sản xuất một số loại sản phẩm vật liệu xây dựng quan trọng như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng tăng từ vài chục lần đến hàng trăm lần sau 40 năm phát triển. Sản xuất vật liệu xây dựng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc, nhiều sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như clinker, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp. Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế…

Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, từ năm 2023 đến nay, trước tình hình thế giới có nhiều “rủi ro và bất ổn kéo dài”; thị trường bất động sản trầm lắng; giá nguyên liệu tăng cao; tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng lại đang khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất, thua lỗ kéo dài, tình trạng nợ xấu tăng cao…

Do đó, ông Lê Văn Tới kiến nghị Nhà nước cần có chính sách để tiếp tục giảm lãi suất vốn vay đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; đồng thời giảm thuế suất, thuế xuất khẩu cho các mặt hàng vật liệu xây dựng về đúng tinh thần quy định trong Luật Thuế, cụ thể là clinker xi măng, đá ốp lát tự nhiên. Tăng giải ngân vốn đầu tư công; áp dụng tối đa phương pháp thi công cầu cạn bê tông cốt thép thay cho phương pháp đắp nền để làm đường cao tốc cùng với chính sách quản lý chặt chẽ nhưng phải có sự hỗ trợ để bất động sản phát triển. Duy trì và thúc đẩy việc thực hiện chính sách tăng cường sản xuất, ứng dụng vật liệu xây dựng thân thiện, đặc biệt là việc sử dụng; có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế sản xuất vật liệu xây dựng.

Hải Long (t/h)