Sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến năng suất lao động

Thứ năm, 16/12/2021 | 10:46 GMT+7
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, thiệt hại kinh tế liên quan đến thay đổi thời gian làm việc do thời tiết nóng lên có thể lên tới 1,6 nghìn tỷ USD hàng năm.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện, khi mức nhiệt và độ ẩm tăng trong ngày do biến đổi khí hậu, các phương án thay đổi thời gian lao động ngoài trời sang các khung giờ mát mẻ sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và gây tổn thất kinh tế đáng kể trên toàn thế giới.

Thiệt hại kinh tế liên quan đến năng suất mất đi này có thể lên tới 1,6 nghìn tỷ USD hàng năm nếu mức tăng nhiệt vượt quá 2 độ C so với hiện tại.

Đáng lưu ý, các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như: châu Á, Trung Đông, châu Phi và Tây Thái Bình Dương là các khu vực sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Thời tiết nóng lên làm thay đổi giờ làm việc và giảm năng suất lao động

Nhà nghiên cứu khí hậu Luke Parsons tại trường Môi trường Duke’s Nicholas, trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá: Các quốc gia và những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tổn thất lao động hiện tại và trong tương lai không phải là các quốc gia gây ra phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại phải chịu hậu quả mà hoạt động này gây ra.

Ông Luke Parsons cho biết: Nhiều công nhân ở vùng nhiệt đới đã phải nghỉ làm vào buổi chiều vì trời quá nóng. May mắn là khoảng 30% tổn thất lao động này vẫn có thể phục hồi được nhờ việc chuyển dịch giờ làm lên sáng sớm. Nhưng khi thế giới tăng thêm nhiệt độ, những giờ mát mẻ nhất trong ngày cũng nhanh chóng trở nên quá nóng để lao động ngoài trời liên tục nên khả năng thích ứng của người lao động cũng sẽ nhanh chóng bị giảm xuống.

Theo nghiên cứu, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Indonesia - những nơi có phần lớn dân số làm việc ngoài trời sẽ chịu thiệt hại lớn nhất; nhưng 14 quốc gia ít dân cư hơn có thể chịu thiệt hại bình quân đầu người cao hơn là: Bangladesh, Thái Lan, Gambia, Senegal, Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Qatar, Brunei, Ghana, Togo, Benin, Sri Lanka và Nauru.

Ông Luke Parsons và các đồng nghiệp cũng đưa ra dự báo tổn thất lao động trong tương lai cho mọi quốc gia trên toàn thế giới khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1, 2, 3 và 4 độ C so với hiện tại.

Các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp dữ liệu khí tượng dựa trên việc quan sát và các dự báo mô hình khí hậu về nhiệt độ và độ ẩm để ước tính mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm, tổn thất lao động hiện tại và tổn thất lao động dự kiến trong tương lai khi trái đất nóng lên.

Qua đây, ông nhận định: Phân tích đã cho thấy, nếu chúng ta hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu ở một mức độ khác so với hiện tại, chúng ta vẫn có thể tránh được hầu hết các tổn thất về năng suất lao động. Nhưng nếu mức nhiệt tăng lên vượt quá 1 độ C, điều đó trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt tồi tệ hơn theo cấp số nhân khi nhiệt độ tăng lên.

Minh Khang