TPHCM: Điều chỉnh quy hoạch đảm bảo mảng xanh đô thị

Thứ năm, 2/12/2021 | 10:11 GMT+7
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích cây xanh trên toàn thành phố khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2/người.

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TPHCM, toàn thành phố hiện có 508,561 ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của TPHCM chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người (trên quy mô dân số 9 triệu người), thấp hơn nhiều so với quy hoạch được phê duyệt.

Khu vực nội thành, nhiều đồ án quy hoạch phân khu chưa quan tâm đúng mức để phát triển mảng xanh, khi xây dựng công trình đã có nhiều hàng cổ thụ bị đốn hạ. Nhiều tuyến đường có cây xanh nhưng còi cọc, trồng cách xa nhau, khó đủ khả năng lọc không khí. Các quận, huyện ngoại thành không có công viên có diện tích lớn để người dân vui chơi, thư giãn.

TPHCM điều chỉnh quy hoạch đảm bảo mảng xanh đô thị thành phố

Để đảm bảo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu tổng diện tích cây xanh trên toàn thành phố đạt khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2/người, trong giai đoạn 2021 – 2025, TPHCM lên kế hoạch rà soát quy hoạch phân khu trên cơ sở quy hoạch chung thành phố và có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển mảng xanh. Quy định bằng hành lang pháp lý, các công trình đều hướng đến bảo vệ môi trường và cảnh quan tạo không gian xanh.

Trên đường phố và nơi công cộng, ưu tiên không gian trồng cây, phát triển mảng xanh. Đô thị hóa song song với bảo tồn lợi ích thiên nhiên đã mang lại, mở đường, làm cầu, xây dựng công trình xem xét tận dụng lại tối đa mảng xanh, nhất là loại cổ thụ lâu năm.

Khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng cây phát triển mảng xanh. Tùy theo điều kiện có thể lồng ghép hình thành các công trình xanh, khu dân cư xanh. Tăng mật độ cây xanh tối đa với các dự án nhà ở, bệnh viện, trường học, cơ sở tư nhân, cơ quan nhà nước... Đồng thời có biện pháp chế tài các chủ đầu tư sử dụng sai mục đích đất dành cho cây xanh.

Thực hiện lập danh sách các loại cây tùy kích cỡ và chuẩn loại lâu năm xem như "di sản" để ưu tiên bảo tồn, điều chỉnh hạng mục công trình không ảnh hưởng. Phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để xử lý, bảo vệ mảng xanh, nhất là loại cổ thụ. Trường hợp buộc phải đốn hạ, nên thông báo rộng rãi trước đó vài ngày để người dân không bất ngờ, thắc mắc. Hơn nữa, cần có ý kiến đánh giá của hội đồng chuyên môn thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM. Sau khi đốn hạ hoặc di dời những cây cũ nên trồng ngay cây mới để thay thế, lấp bớt khoảng trống.

Tận dụng hai bên sông Sài Gòn tạo cảnh quan và không gian xanh thông suốt, công trình phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa, thu hút du lịch. Như bờ Đông phía Thủ Thiêm (kết nối với đô thị sáng tạo theo chủ trương, định hướng chiến lược phát triển mới của TPHCM nằm trên trục phát triển cho TP Thủ Đức) và bờ Tây (từ quận Bình Thạnh đến quận 4, tiếp giáp trung tâm nội thành) có dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, đi xe đạp, ngắm cảnh, du lịch... 

Thu Uyên (T/H)