Sức khỏe

TPHCM triển khai tư vấn tâm lý để người dân vững tin vượt qua đại dịch

Thứ bảy, 4/9/2021 | 15:35 GMT+7
Từ ngày 5/9, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) sẽ phối hợp tổ chức Chương trình "vaccine tinh thần" - tư vấn tâm lý cho người dân để tạo động lực, niềm tin vững chắc chiến thắng đại dịch.

Theo thống kê, đại dịch Covid-19 đã làm tăng tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần bao gồm trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, ý định tự tử. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) chỉ ra rằng, trong thời gian giãn cách xã hội (tính riêng 8/2021), nhiều người cảm thấy lo âu, trầm buồn, căng thẳng, stress, buồn chán, bứt rứt, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ... và có nhu cầu rất cao được hỗ trợ tâm lý.

Do đó, để hỗ trợ sức khỏe tinh thần người dân TPHCM trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Chương trình "vaccine tinh thần".

Với nội dung tham vấn và trị liệu tâm lý, chương trình dự kiến đáp ứng khoảng 15 - 20% người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do Covid-19... Chương trình phối hợp với Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện dã chiến số 12 để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây.

Triển khai tư vấn tâm lý cho người dân có biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia của chương trình cũng sẽ tham vấn tâm lý cho người có nhu cầu thông qua hotline 0987 111 801. Người gặp bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài.

Ngoài ra, để hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19, chương trình sẽ cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố... đến người dân có nhu cầu.

Hơn nữa, chương trình còn tư vấn khẩn cấp cho người dân thuộc nhóm nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý. Các hoạt động chính như hội thảo trực tuyến, chương trình radio "Tâm an vượt qua đại dịch", tư vấn trực tiếp thông qua cổng thông tin 1022 (nhấn phím 5 sau đó nhấn phím 9).

Tại họp báo ra mắt chương trình, PGS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, chương trình có thể kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch. Ba nhóm hỗ trợ chính gồm phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19.

"Nhà trường mong muốn chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, giúp người dân bớt hoang mang, trấn an tinh thần", bà chia sẻ.

Chương trình dự kiến khởi động bắt đầu ngày 5/9/2021 và kết thúc vào cuối năm 2022.

Ngọc Mai (T/H)