Sức khỏe

Tăng cường quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần

Thứ hai, 17/6/2024 | 16:35 GMT+7
Bộ Y tế mới đây đã ban hành Quyết định số 1651/QĐ-BYT phê duyệt Đề án dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 – 2025.

Đề án nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (bệnh không lây nhiễm) và rối loạn sức khỏe tâm thần nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cụ thể, đề án nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.

Tăng cường quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị người bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần.

Nội dung truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân bao gồm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và các quy định có liên quan đến công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm, quản lý điều trị người bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; các yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy cơ, dự phòng mắc các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Các dấu hiệu sớm, dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh không lây nhiễm; biện pháp phát hiện sớm như người dân tự đánh giá nguy cơ; khám sức khỏe định kỳ; thường xuyên kiểm tra cân nặng, đo chiều cao, vòng eo, huyết áp và xét nghiệm đường máu; khám sàng lọc một số bệnh không lây nhiễm. Chú trọng hướng dẫn người dân biết cách phát hiện các dấu hiệu sớm của tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, một số bệnh ung thư.

Các biểu hiện của bệnh không lây nhiễm và biến chứng; các biện pháp điều trị, cách phòng ngừa biến chứng; hướng dẫn chăm sóc, tuân thủ điều trị khi mắc bệnh không lây nhiễm. Các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu sớm nghi ngờ mắc bệnh, cách dự phòng bệnh, biện pháp phát hiện sớm và chăm sóc, tuân thủ điều trị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và một số rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến khác.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường tập huấn nâng cao năng lực dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Trong đó, xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa tài liệu tập huấn chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở về dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, một số bệnh ung thư; tài liệu tập huấn về dự phòng, chẩn đoán, điều trị, quản lý các rối loạn sức khỏe tâm thần cho bác sĩ đa khoa và cán bộ y tế tại tuyến huyện, tuyến xã.

Tổ chức đào tạo, tập huấn lồng ghép về dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm: củng cố mạng lưới các cơ sở đào tạo tại Trung ương và khu vực với sự tham gia của các viện, bệnh viện, trường phù hợp để đào tạo, tập huấn, hỗ trợ cho cán bộ y tế/giảng viên nòng cốt của tuyến tỉnh. Giảng viên nòng cốt tuyến tỉnh tổ chức tập huấn, tập huấn lại cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã liên quan về dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và một số bệnh ung thư.

Đào tạo, tập huấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần: củng cố mạng lưới các bệnh viện, viện và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần; thực hiện chương trình đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Triển khai chương trình đào tạo, tập huấn cho bác sĩ đa khoa tại tuyến huyện để đủ năng lực khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần; chương trình tập huấn cho bác sĩ đa khoa và cán bộ y tế xã về khám, quản lý và cấp thuốc ngoại trú cho người bệnh tâm thần theo quy định; chương trình tập huấn cho cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn, bản về sử dụng bộ công cụ sàng lọc, phát hiện dấu hiệu sớm của rối loạn sức khỏe tâm thần.

Khả Như