Tăng cường truyền thông về khai thác bền vững, bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới

Thứ tư, 17/8/2022 | 15:23 GMT+7
Trong 2 ngày 15 - 16/8, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (TN&MT), Bộ TN&MT phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Truyền thông, nâng cao nhận thức về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới” khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Tại hội thảo, ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết, truyền thông, nâng cao nhận thức về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Truyền thông, nâng cao nhận thức về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3. Tuy nhiên, 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong đó có 2 sông lớn là sông Cửu Long (90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam) và sông Hồng (trên 50%). Do đó, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Hội thảo là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, năng lực thực thi chính sách pháp luật của cộng đồng về khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia tài nguyên nước trình bày nhiều tham luận về: thực trạng nguồn nước quốc gia và nguồn nước xuyên biên giới hiện nay; những cơ chế, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước đối với công tác quản lý các nguồn nước quốc gia và nguồn nước xuyên biên giới; hướng dẫn sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn nước xuyên biên giới; hướng dẫn thực hiện nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn nước; giới thiệu những mô hình sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên như trồng rừng, hệ thống thủy lợi, hồ điều hòa... góp phần cân bằng chu trình nước tự nhiên, phát triển kinh tế bền vững từ những nguồn nước nội tại và những nguồn nước xuyên biên giới, tập trung vào đặc thù các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, thành công và khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp khả thi để nâng cao nhận thức về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới, góp phần vào sự thành công của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước nói riêng và công tác quản lý Nhà nước TN&MT nói chung.

Linh Giang (T/H)