Kinh tế xanh

Thảo luận để xây dựng Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Thứ hai, 8/1/2024 | 16:59 GMT+7
Ngày 8/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là một hoạt động thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Thị trường tín chỉ carbon được hình thành công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường; lộ trình thực hiện, trong đó chú trọng cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.

Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước về việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng bảo đảm thị trường tín chỉ carbon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.

Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước. Chủ thể tham gia thị trường bao gồm các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật; tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam có mục tiêu là phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu đó, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Đề án cần cập nhật những chính sách, thỏa thuận toàn cầu, các chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được ban hành với định hướng ứng phó biến đổi khi hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, giảm phát thải khí nhà kính… Thành lập thị trường tín chỉ carbon là bước cụ thể hóa để chuẩn bị cho những chính sách lớn trên phạm vi toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh để doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng; thực thi các quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo đếm, chứng nhận về hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp…

Bộ Tài chính cần huy động sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan, đội ngũ chuyên gia về cắt giảm khí nhà kính, kinh tế, tài chính, luật pháp quốc tế về biến đổi khí hậu để nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác như: phân bổ hạn ngạch phát thải, mô hình vận hành, các công cụ kinh tế, tài chính… từ đó đề xuất cách tiếp cận, quan điểm, mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể trong Đề án.

Việt Nga (T/H)