Thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước

Thứ tư, 27/1/2021 | 11:45 GMT+7
Thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả là nội dung rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả hiện tại và tương lai.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại lưu vực các con sông lớn nên dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng về nguồn cung nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các khu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).

Một kịch bản xấu cũng được tính toán có thể xảy ra là đến năm 2050 nước biển dâng trên toàn dải ven biển Việt Nam cao từ 21 đến 25cm và đến năm 2100 là từ 44 đến 73cm. Chưa kể đến nước dâng do bão, thủy triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức có thể làm cho 10% đồng bằng sông Hồng, 15% đồng bằng sông Cửu Long, 14% Thành phố Hồ Chí Minh, 20 - 30% của diện tích tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau sẽ bị ngập nước vào cuối thế kỷ này, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp.

Vấn đề an ninh nguồn nước luôn được các nhà lãnh đạo quan tâm

Trước tình hình này, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo. Trong đó, thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả là nội dung rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả hiện tại và tương lai.

Về vấn đề an ninh nguồn nước, PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với nhiều đạo luật. Các luật này cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước, nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Theo ông Khiển, có 4 vấn đề quan trọng khi nhắc đến an ninh nguồn nước. Đó là bảo đảm các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, khảo sát về nội dung này, hiện tại 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ; duyên hải miền Trung; Nam Trung Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Tây Bắc có 8 thách thức lớn. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phân bổ lượng nước khi thiên tai, biến đổ khí hậu ảnh hưởng ngày càng nặng nề; vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt; khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn…

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng ngày 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến việc tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh nguồn nước. Đại hội cũng sẽ tiếp tục thảo luận và đề xuất một số ý kiến kiến nghị, giải pháp cho vấn đề an ninh nguồn nước trong thời gian tới.

Gia Linh (T/H)