Sản phẩm, công nghệ

Thu hút vốn đầu tư cho công nghệ cao và đổi mới sáng tạo

Thứ ba, 22/4/2025 | 15:16 GMT+7
Ngày 22/4, Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIPC) 2025 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình” khai mạc tại Hà Nội.

Diễn đàn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Diễn đàn VIPC năm nay là sự kiện nối tiếp diễn đàn hàng năm về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Viet Nam Venture Summit). Trải qua 4 kỳ tổ chức thành công, diễn đàn không chỉ là một sự kiện mang tính kết nối mà còn góp phần định vị Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng của dòng vốn đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là vốn tư nhân nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy các ngành công nghệ tiên phong.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.

Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt như: Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Tài chính là cầu nối hiệu quả, tích cực triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động, sáng kiến để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam, kết nối với hệ sinh thái toàn cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo với những đột phá mạnh mẽ trong AI tạo sinh đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.

Bên cạnh đó, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược đối với mỗi quốc gia. Một xu hướng khác cũng đang lan rộng là làn sóng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Công nghệ tài chính với các giải pháp thanh toán số, blockchain… đang định hình lại hệ sinh thái tài chính toàn cầu, mở ra cơ hội tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, ngoài xu hướng toàn cầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần nhìn nhận sâu sắc về vai trò của các quỹ đổi mới sáng tạo và các nguồn vốn tư nhân trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia, nền kinh tế phát triển đã chủ động thành lập các quỹ đầu tư chuyên biệt cho đổi mới sáng tạo như châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Những quỹ này không chỉ cung cấp nguồn vốn mồi quan trọng cho các dự án công nghệ cao mà còn đóng vai trò “kích hoạt” sự tham gia của khu vực tư nhân, góp phần làm gia tăng mạnh mẽ quy mô và hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, dòng vốn từ khu vực tư nhân đang giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy các ý tưởng đột phá, mô hình kinh doanh mới và phát triển sản phẩm công nghệ tiên phong. Các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn công nghệ toàn cầu chính là “nhà bảo trợ” cho sự phát triển của tương lai. Sự chủ động và linh hoạt của khu vực tư nhân kết hợp với định hướng và đồng hành từ Nhà nước đã tạo nên những hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ tại nhiều quốc gia.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong dòng chảy sôi động của đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng đang tạo đòn bẩy mạnh mẽ, giúp Việt Nam gia tăng thị phần sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, với sự đồng hành của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, Meta, Google… đã chọn Việt Nam là trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm công nghiệp mới.

Để khơi thông nguồn vốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tiếp tục có những khuyến nghị, đề xuất về thể chế, chính sách tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ có danh mục đầu tư ưu tiên cho những ngành công nghệ mới nổi, công nghệ cao, công nghệ chiến lược.

Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn kết nối như Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp cần tiếp tục trao đổi cụ thể về định hướng đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế của mỗi bên và sớm thiết lập các cơ chế, hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả.

Cùng với đó, các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo cần tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo “sân chơi” thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn sẵn sàng hành động, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các bên tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hải Long (t/h)