Nông nghiệp sạch

Thừa Thiên Huế: Tích cực phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, chất lượng cao

Thứ sáu, 19/11/2021 | 16:48 GMT+7
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững, phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình khuyến nông và sản phẩm OCOP...

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo với Thứ trưởng về đề án Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian qua, tỉnh cũng đã thành lập được 25 hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp bền vững, sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng đề án, kế hoạch hỗ trợ theo các chính sách của nhà nước cho HTX.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ bà con nông dân giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 12.000ha với ít nhất trên 2.250 hộ nông dân/40 HTX lâm nghiệp bền vững, hoạt động theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ đã mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân và môi trường tỉnh như bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế khi có liên kết chuỗi bền vững.

Nhân rộng, phát triển mô hình HTX lâm nghiệp bền vững. (Nguồn: baotainguyenvamoitruong.vn)

Về phát triển nông nghiệp bền vững, hiện tỉnh đã và đang triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuẩn VietGAP, hữu cơ như: tiếp tục phát triển với hơn 53.900m2 nhà lưới, 5.054ha sản xuất theo VietGAP, 483ha theo hướng hữu cơ.

Hơn nữa, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt chương trình khuyến nông, các hoạt động khuyến nông tập trung vào các chương trình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt là tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 25 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Về chăn nuôi, tỉnh cũng có bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, từng bước tạo ra sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, dựa trên những mô hình đã thực hiện thành công thời gian qua, tỉnh mong Bộ NN&PTNT triển khai thí điểm xây dựng mô hình điểm làng sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn trên địa bàn, từ đó triển khai trên diện rộng.

Sau khi lắng nghe báo cáo, kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ các HTX ở địa phương này xây dựng các trung tâm giống lâm nghiệp. Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn làm việc với một số cơ quan liên quan để cùng vào tham gia triển khai đề án Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phát triển bền vững. Khẩn trương xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp và phát triển OCOP nhằm phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cố gắng khai trương trong năm 2022. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch tiến tới ký hợp tác giữa tỉnh và Bộ NN&PTNT về việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Khả Như (T/H)