Nông nghiệp sạch

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững từ nguồn vốn tín dụng

Thứ sáu, 19/8/2022 | 16:30 GMT+7
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo văn bản, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các tổ chức tín dụng), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản sửa đổi, bổ sung và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; tích cực tham gia, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ tái cơ cấu, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.  

Rà soát, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và đề xuất, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung chính sách (nếu có) phù hợp với thực tế triển khai, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững từ nguồn vốn tín dụng

Văn bản nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị. 

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. 

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở nông thôn; tập trung cho vay góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025… 

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần nắm bắt kịp thời các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương để chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cho vay đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, trong đó chú trọng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị.

Khả Như