Sức khỏe

Tiếp tục công tác phòng, chống dịch bệnh toàn cầu

Thứ ba, 27/12/2022 | 17:39 GMT+7
Ngày 27/12, nhân Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh, công tác phòng ngừa những cuộc khủng hoảng y tế; tìm kiếm biện pháp nhằm ứng phó với các đại dịch tiếp tục được phát động, triển khai.

Cụ thể, Quỹ Ứng phó đại dịch toàn cầu trị giá 1,4 tỷ USD đã được Bộ trưởng Y tế và Tài chính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phối hợp triển khai. Đây là công cụ hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. 

Quỹ sẽ hỗ trợ Cơ quan Hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch Covid-19 (ACT-A) với mục tiêu tích hợp sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai. ACT-A quy tụ một số cơ quan và tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Bill and Melinda Gates, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI), Quỹ Toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan khác.

ACT-A và Quỹ Ứng phó đại dịch toàn cầu sẽ giúp tăng cường sự hợp tác giữa các Chính phủ, nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, xã hội dân sự, các tổ chức y tế và từ thiện toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng ngừa Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác có khả năng xảy ra.

Tiếp tục công tác phòng, chống dịch bệnh toàn cầu

Ngoài ra, nhằm tăng cường khả năng dự phòng ứng phó với các cuộc khủng hoảng liên quan tới sức khỏe, mới đây, Mỹ và ASEAN đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, tập trung vào 3 khía cạnh trọng tâm. Đó là tăng cường hệ thống y tế trong các tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch tiếp theo; phát triển hệ thống y tế thông qua nguồn nhân lực; củng cố hệ thống thông tin và dữ liệu nhằm hỗ trợ phát triển và sản xuất vaccine, cũng như liệu pháp điều trị và thiết bị chẩn đoán tại chỗ.

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đại dịch Covid-19 đã tấn công mọi quốc gia và gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện. Nếu không có sự hợp lực toàn cầu, thiệt hại về người và vật chất còn tăng gấp nhiều lần. Do đó, Liên Hợp Quốc đã triển khai kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu nhằm đảm bảo cung cấp trang thiết bị, phòng thí nghiệm thiết yếu và những vật dụng y tế cần thiết để xét nghiệm, điều trị cho người dân; phát động chiến dịch truyền thông tới công chúng để tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi virus; thiết lập cầu hàng không và trạm trung tâm tại châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh để điều hành các cán bộ cứu trợ nhân đạo và hàng cứu trợ đến những nơi cần nhất.

Bên cạnh đó, hợp tác với CEPI và Liên minh vaccine xây dựng cơ chế COVAX để tạo điều kiện cho mọi người trên thế giới, bất kể mức thu nhập, có thể tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19.

Thời gian tới, nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại ở nhiều khu vực trong mùa lạnh vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, số người mắc bệnh đậu mùa khỉ, sởi... liên tục gia tăng, đe dọa hệ thống y tế của nhiều nước. Vì vậy, cần một cách tiếp cận ở quy mô toàn cầu, toàn diện và kịp thời vì sức khỏe, an ninh xã hội nói chung.

Gia Bách (T/H)