Theo kết quả kiểm toán được phối hợp thực hiện với Đại học Đà Nẵng tại thành phố Hội An, rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình và hộ kinh doanh chiếm đến 85% tổng lượng rác thải. Thế nhưng chỉ có 6% trong tổng 9.000 tấn rác thải nhựa phát sinh trong 1 năm được thu gom và tái chế. Do đó, hoạt động ngày hôm nay nhằm mục đích đồng hành cùng thành phố Hội An giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác.
Chương trình mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác thải, huy động sự tham gia của cán bộ và hội viên phụ nữ vào phong trào bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa dùng một lần.
Những “ngôi nhà xanh” sẽ được trao tặng cho 13 chi hội phụ nữ tại 13 xã, phường để quản lý và vận hành. Bên cạnh đó, Greenhub và IUCN sẽ tiếp tục đồng hành với Hội LHPN thành phố Hội An thiết kế và triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa khác.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2022/3/10/ngoi-nha-xanh-20220310171040431.jpg)
Mô hình “ngôi nhà xanh” giúp thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn
Tại lễ trao tặng, bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hội An chia sẻ, tuy không phải là mô hình mới nhưng “ngôi nhà xanh” có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với từng địa bàn dân cư và có sự khác biệt là phần mái nhà được làm từ rác nhựa có giá trị thấp như túi nilon, hộp sữa, muỗng nhựa, vỏ kẹo.
Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hội An, những ngôi nhà nhà xanh này vừa tạo ý thức cho người dân hình thành thói quen phân loại rác thải hàng ngày vừa giảm áp lực cho thành phố trong việc thu gom, quản lý rác đang bị quá tải. Đồng thời tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và du khách cùng tham gia thực hiện, góp phần xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
Thời gian tới, địa điểm các “ngôi nhà xanh” cùng số liệu rác thải nhựa thu gom, xử lý sẽ được cung cấp và cập nhật thường xuyên trên nền tảng số của dự án.
Điều phối viên Chương trình biển và vùng bờ IUCN Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Ngôi nhà xanh được thiết kế ba ngăn giúp người dân có thể phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ công tác thu gom tại địa phương, một mắt xích quan trọng thúc đẩy tái chế và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đặc biệt, những thùng rác này được làm từ rác thải nhựa tái chế thì du khách và người dân sẽ tin tưởng hơn vào việc phân loại rác chứ không phải phân loại xong rồi sau đó trộn lại tại bãi rác như trước kia.
Hoạt động trao tặng thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác chiến lược giữa IUCN và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam. Trong đó, dự án Rác thải trên biển và cộng đồng ven biển do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA) tài trợ giao IUCN thực hiện; dự án “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa với các giải pháp địa phương” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thực hiện bởi GreenHub.