Sức khỏe

Triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh

Thứ năm, 2/12/2021 | 12:10 GMT+7
Để tăng cường công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19, cần đánh giá đúng thực trạng và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia và đưa ra chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện Trung ương và 10 tỉnh, thành về công tác điều trị, giảm tử vong do Covid-19 hiện nay.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa cho biết, đến hết ngày 30/11, cả nước có 101.405 ca theo dõi và điều trị tại nhà; hơn 99.000 ca điều trị tại các bệnh viện. Số ca triệu chứng nhẹ, không triệu chứng chiếm 85%. Hơn 4.000 ca nặng, nguy kịch cần thở oxy; hơn 1.000 ca thở máy. Số ca tử vong so với số ca nhiễm tại Việt Nam là 2%, tương đương mức trung bình của thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong cao là do số người mắc Covid-19 (F0) tăng nhanh đột ngột, gây quá tải hệ thống bệnh viện. Một số người khi phát hiện nhiễm bệnh nhưng chưa báo cơ sở y tế kịp thời hoặc báo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao những ngày gần đây

Bên cạnh đó, nhân lực tầng điều trị thứ 2, thứ 3 ở nhiều nơi gặp khó khăn do các lực lượng hỗ trợ đã rút về; còn lúng túng trong điều phối chuyển viện, chuyển tầng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện.

quản lý phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách ly tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm (nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng).

Dựa theo tình hình thực tiễn đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị ở nhóm nguy cơ cao và điều trị phân tầng hợp lý. Trong đó, duy trì cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi; các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng; tăng đội y tế lưu động; hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế...

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu hiện có ý nghĩa quan trọng giúp giảm tử vong. Các địa phương cần thiết lập nhóm điều phối, nắm tình hình dịch, giường bệnh, nhân lực, vật tư y tế... để khắc phục tình trạng thiếu hụt, quá tải cục bộ.

Mặt khác, trong buổi làm việc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung phát biểu ý kiến, từ kinh nghiệm điều trị tại Đồng Nai thời gian qua, để giảm tỷ lệ tử vong cần tập trung tiêm vaccine cho người cao tuổi; xây dựng mô hình điểm về y tế cộng đồng gồm tư vấn tâm lý, dinh dưỡng, tập luyện cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà...

Lắng nghe những báo cáo, ý kiến thảo luận của đại diện các cơ quan, cơ sở y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhất trí và đưa ra một số yêu cầu, chỉ đạo trong thời gian tới như: các tỉnh, thành cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống F0 tăng, để khắc phục bất cập trong chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau.

Trong tình hình cho phép F0 điều trị tại nhà, dứt khoát không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa. Phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa; cần chú ý chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần.

Bộ Y tế cần khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng virus cho các địa phương. Đồng thời lên kế hoạch tiêm vaccine liều nhắc lại cho các đối tượng đã tiêm đủ các liều cơ bản; tham khảo ý kiến chuyên gia, tổ chức y tế quốc tế về khoảng thời gian tiêm giữa các liều.

Các địa phương cần đảm bảo đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn, chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế, nhất là khi dịch bệnh còn kéo dài.

Mộc Trà