Văn hóa, du lịch

Triển khai số hóa di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2030

Thứ sáu, 3/12/2021 | 10:34 GMT+7
Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Thông qua Chương trình, Chính phủ đề ra mục tiêu cụ thể như: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích. 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Để đạt được những mục tiêu trên, Quyết định 2026 đã nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Trước tiên là hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật. Trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số quốc gia; kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện; xác lập quyền truy cập, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển du lịch và các nhu cầu khác ở trong nước và quốc tế.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển và cùng khai thác hệ sinh thái số về di sản văn hóa; khuyến khích việc tài trợ và đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Đẩy nhanh số hóa di sản văn hóa Việt Nam phục vụ lưu trữ và phát triển du lịch

Tiếp theo, cần xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ, đặc biệt trong xây dựng hệ thống tiêu chí chuyển đổi số cho các thông tin dữ liệu ứng dụng trên phần mềm lưu trữ, bản đồ số và liên kết, khai thác dữ liệu đa chiều về di sản văn hóa thống nhất trên toàn quốc; trang bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị thuộc đối tượng và phạm vi của Chương trình. Đồng thời tăng cường xây dựng phần mềm, ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu các di sản văn hóa trên nền tảng bản đồ số thống nhất VMAP của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, cho phép lưu trữ, quản lý, khai thác và lập báo cáo từ các nguồn dữ liệu số hóa; bảo đảm việc tra cứu thuận tiện đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, khả năng tích hợp, chia sẻ, kết nối và trực quan trong quá trình quản lý, khai thác.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa. Bao gồm: rà soát, thu thập, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ tư liệu về các di tích, hiện vật, di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng, ghi danh và công nhận theo quy định của quốc tế, khu vực và quốc gia; thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên cơ sở xây dựng mới và tích hợp cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở với sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng; hoàn thành việc thống kê, số hóa, xây dựng mục lục và xuất bản Tổng danh mục Di sản văn hóa Việt Nam công khai trên mạng internet, tăng cường dịch vụ tham quan thực tế ảo, đổi mới các chuyên đề trưng bày trải nghiệm theo hướng trực tiếp và trực tuyến, panorama 360°…

Mặt khác, các nhiệm vụ về quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng cần được triển khai trong giai đoạn tới.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong hoạt động triển khai Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm Ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng.

Thanh Tâm