Tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải

Thứ ba, 28/12/2021 | 20:54 GMT+7
Đầu tháng 12, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất sửa Luật Điện lực để tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ.

Ảnh minh họa

Theo đại diện Ban Quản lý năng lượng Tập đoàn T&T, xu thế là tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng lớn, tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp. T&T là tập đoàn đang đầu tư mạnh vào điện gió, mặt trời với 1.000 MW đưa vào vận hành cuối năm nay.

Từ phân tích những vướng mắc của hệ thống truyền tải điện hiện tại, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng nói, nên cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện.

Theo ông, phát triển hạ tầng truyền tải điện ở Việt Nam đang vướng ba điểm, trước tiên là quy hoạch, tầm nhìn do chúng ta không dự báo được công suất, sức chịu đựng của lưới truyền tải điện.

Bên cạnh đó là cấu trúc bất hợp lý, chỗ thừa, nơi thiếu. "Có chỗ xài công suất có 4-5%, còn lại thì dư thừa và không thể tích trữ, đó là sự lãng phí trong khi doanh nghiệp còn khó khăn. Đó là khả năng phân tích, dự báo, cơ cấu cấu trúc cần hợp lý", ông nhìn nhận.

Vướng mắc nữa là nguồn vốn. Mỗi năm ngành điện cần khoảng hơn 10 tỷ USD để đầu tư trong tầm nhìn từ nay đến năm 2030, riêng truyền tải điện chiếm 15% tổng kinh phí đầu tư, tức 1,5 tỷ USD một năm. Vậy nguồn tiền huy động từ đâu? Trong chính sách phục hồi 2 năm tới, không hề có thêm đầu tư công cho lĩnh vực năng lượng, chỉ có hạ tầng giao thông.

"Việc xã hội hóa, cho phép tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện là nên làm", ông Lực nêu quan điểm.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho rằng, việc tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo sẽ "hanh thông, thuận lợi hơn nếu đầu tư trong truyền tải điện được cải thiện".

Ông phân tích, hiện EVN vẫn độc quyền đầu tư truyền tải, tạo gánh nặng quá lớn cho tập đoàn này trong huy động vốn, trong khi giới hạn cấp tín dụng cho EVN không vượt quá 25% vốn tín chấp của các tổ chức tín dụng.

Luật Điện lực hiện nay quy định Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư, quản lý lưới truyền tải từ 220 kV trở lên. Việc xây dựng đường dây truyền tải, giải toả công suất năng lượng tái tạo vừa qua chậm tiến độ hơn dự kiến. Ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) giải thích, do phải xin bổ sung quy hoạch lưới truyền tải điện. Các công việc chuẩn bị để đầu tư lưới truyền tải, như xin bổ sung quy hoạch, xin chủ trương đầu tư... thường mất nhiều thời gian.

Theo quy định, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo, còn quy hoạch truyền tải điện từ 220 kV trở lên do Chính phủ phê duyệt. Thực tế cho thấy chưa đồng bộ khi bổ sung nguồn năng lượng tái tạo mới và tính toán bổ sung quy hoạch lưới truyền tải điện.

Trong đó, bổ sung quy hoạch lưới truyền tải chậm một nhịp từ 6-12 tháng so với bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo. Còn các dự án điện mặt trời từ chủ trương đầu tư tới thực hiện cũng chỉ khoảng một năm.

Tức là một dự án năng lượng tái tạo hoàn thiện thì truyền tải điện mới được phê duyệt đầu tư. Cùng với đó là nguyên nhân chậm do bồi thường giải phòng mặt bằng, theo cơ chế Nhà nước.

Với đường truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia, các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đầu tư và vận hành. Quy hoạch điện VIII nên chỉ định rõ doanh nghiệp nào đầu tư, để đỡ mất thêm thời gian đấu thầu chọn nhà đầu tư, bởi các quy định hiện nay khá phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

Với đường trục quốc gia và khu vực, muốn nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cần có cơ chế pháp luật rõ ràng, chẳng hạn như chuyện thoả thuận đấu nối, để tránh vướng mắc sau này. Tỷ trọng các đường dây và trạm biến áp có thể giao tư nhân đầu tư, ông Kiên ước tính, khoảng 20% tổng quy mô hệ thống điện.

Sửa đổi Luật Điện lực lần này, đề xuất cho tư nhân tham gia đầu tư vào truyền tải, để giải quyết vấn đề cấp bách khi nhu cầu đầu tư các dự án truyền tải lớn, trong khi nguồn lực của EVN hay EVNNPT có hạn, phải đầu tư nhanh để đảm bảo giải toả công suất nên cấp bách là huy động từ xã hội.

Về chi phí, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lương tái tạo cho biết, các đơn vị tư nhân được đầu tư quản lý vận hành có quyền, trách nhiệm như nhau về giá truyền tải, thu hồi chi phí đầu tư, quản lý vận hành truyền tải. Còn Nhà nước vẫn sẽ độc quyền điều độ hệ thống điện, đảm bảo an ninh truyền tải, vận hành hệ thống điện.

Dự thảo quy hoạch điện VIII đưa ra cơ chế rà soát 6 tháng hoặc 1 năm, nhằm đảm bảo các dự án sẽ phải tuân thủ theo đúng kế hoạch. Dự án nào không đảm bảo tiến độ sẽ chuyển nhà đầu tư khác.

Hiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có sửa Điều 4 Luật Điện lực đã được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến trong tuần này cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế sẽ thẩm tra lần 2 với dự thảo luật này. Nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội bất thường, dự kiến tổ chức đầu tháng 1/2022.

PV